Tháo gỡ vướng mắc trong sắp xếp, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

.

Trên cơ sở kết quả đạt được về sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021, UBND thành phố ban hành Đề án sắp xếp, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2022-2026. Việc triển khai đề án mới trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện từ giai đoạn trước.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó trong việc khai thác cơ sở vật chất để tạo nguồn thu. Trong ảnh: Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: T.H
Một số đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó trong việc khai thác cơ sở vật chất để tạo nguồn thu. TRONG ẢNH: Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: T.H

4 giảm

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021 (Quyết định số 1562/QĐ-UBND ngày 17-4-2018 của UBND thành phố), thành phố đã hoàn thành sắp xếp 71 đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thành đúng lộ trình, thời gian đặt ra, vượt số lượng dự kiến 22 đơn vị (đề án dự kiến sắp xếp 49 đơn vị). Thực hiện được 4 “giảm”, bao gồm giảm đầu mối: sắp xếp 71 đơn vị, giảm 37 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó, giảm 124 đơn vị cấp phòng); giảm lãnh đạo, quản lý: giảm 178 vị trí lãnh đạo, quản lý; giảm biên chế: thu hồi 93 chỉ tiêu số lượng người làm việc, giải quyết cho 43 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay, chấm dứt hợp đồng lao động đối với 23 người; giảm kinh phí từ ngân sách: thông qua đổi mới, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tinh giản biên chế, trong giai đoạn 2017 - 2019 đã giảm chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn trước khoảng 280 tỷ đồng.

Các phương án sắp xếp, đổi mới được thực hiện theo định hướng, đúng quy định. Một số trường hợp tinh gọn hơn so với quy định của Trung ương nhằm phù hợp với tình hình địa phương và xu hướng xã hội hóa hoạt động sự nghiệp. Một số ngành đã thực hiện tốt như sắp xếp giảm 15 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao còn 9 đơn vị; hợp nhất 5 đơn vị sự nghiệp y tế dự phòng để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở Y tế.

Cùng với các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, như một số nội dung đã có chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp nhưng chậm thể chế hóa bằng văn bản pháp luật nên hầu hết các đơn vị không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Một số nội dung có chỉ đạo của Chính phủ nhưng các bộ, ngành Trung ương chưa hướng dẫn kịp thời. Nhiều vướng mắc về cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập kéo dài (đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật, phê duyệt Đề án tự chủ theo nghị định của Chính phủ). Quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp trên thực tế còn bị ràng buộc quá nhiều bởi các pháp luật chuyên ngành (Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Viên chức)…

Theo đề án sắp xếp, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2022-2026, mục tiêu đến năm 2026, sắp xếp, tổ chức lại, giảm ít nhất 9 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, chưa tính đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo; giảm 10% chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách so với chỉ tiêu giao; có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí chi thường xuyên.

Đổi mới phương thức hoạt động

Từ kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021 của đơn vị mình, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử cho rằng, sau sắp xếp, các đơn vị hoạt động tương đối tốt, nhưng hiệu quả như mong muốn thì chưa, chỉ mới giảm cơ học số lượng người đứng đầu. Từ kết quả đó, ông Xử đề xuất, khi sắp xếp các đơn vị tự chủ một phần, các sở, ngành liên quan cần có quy chế về việc xây dựng kế hoạch cụ thể, tự chủ phải đi kèm cơ chế khai thác nguồn thu của các đơn vị một cách phù hợp, hiệu quả. Có như thế mới khai thác hiệu quả tại một số đơn vị có cơ sở vật chất tốt, đủ điều kiện khai thác, mang lại nguồn thu đáng kể, giảm chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, điều này chưa triển khai được do không có cơ chế. Do đó, cần phải có cơ chế hoạt động, kế hoạch tổ chức để việc sắp xếp thực sự mang lại hiệu quả. Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng, muốn có kế hoạch khai thác cơ sở vật chất, tạo nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ, cần phải có đề án và trình UBND thành phố thông qua.

Lý giải về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khi thực hiện giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách, ông Võ Ngọc Đồng cho biết, theo mục tiêu đến năm 2026 sẽ giảm thêm 10% những người hưởng lương từ ngân sách. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc giảm nhân lực tham gia công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghĩa là, các đơn vị có thể ký hợp đồng và thực hiện chi trả từ nguồn tự chủ của đơn vị để bảo đảm hoạt động của bộ máy. Quyền lợi hưởng lương từ ngân sách hay từ nguồn thu (tự chủ) không khác nhau, chỉ khác là cơ cấu từ nguồn thu để chi trả lương cho viên chức.

Liên quan đến nhân lực (giáo viên) trong ngành giáo dục, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hải Châu Trương Thị Thanh Thủy đặt vấn đề, nếu giảm người hưởng lương từ ngân sách thì buộc phải tăng thu (học phí) thì mới bảo đảm nguồn chi tự chủ để chi trả nguồn giáo viên hợp đồng ổn định đứng lớp so với tiêu chí số lượng học sinh khá lớn của quận. Nếu không tăng thu, mà còn giảm người hưởng lương từ ngân sách, trong khi số lượng giáo viên không thể giảm, thậm chí tăng, sẽ không thể triển khai theo đề án được.

Tại hội nghị triển khai đề án sắp xếp, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2026 tổ chức ngày 28-4, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đề nghị các ngành, các cấp bám sát đề án để triển khai. Trong quá trình triển khai, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, nói rõ mục đích của nội dung để tạo ra nhận thức chung trong cán bộ, viên chức các đơn vị để ủng hộ chủ trương lớn của thành phố. Trong quá trình sắp xếp và sau sắp xếp, quan trọng nhất là đổi mới phương thức hoạt động, để làm sao nâng chất lượng, giảm số lượng nhưng giữ và nâng cao chất lượng.

UBND thành phố giao Sở Nội vụ phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng nghị quyết về quy chế theo đề án. Sở Tài chính khẩn trương hướng dẫn các thông tư liên quan thực hiện trong quá trình triển khai đề án. Các đơn vị, sở, ngành trong quá trình triển khai gặp vướng mắc, khó khăn, chủ động trao đổi với các sở tham mưu liên quan để tháo gỡ kịp thời.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.