Chính trị - Xã hội

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

16:53, 06/06/2023 (GMT+7)

ĐNO - Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đoàn thể và các địa phương, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.

UBND quận Thanh Khê hỗ trợ sinh kế cho chị Lê Thị Hạ Lan, hộ nghèo phường Thanh Khê Đông
UBND quận Thanh Khê hỗ trợ sinh kế cho chị Lê Thị Hạ Lan, hộ nghèo phường Thanh Khê Đông.

Đặc biệt, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã kịp thời trình HĐND thành phố thông qua chính sách hỗ trợ 20% chi phí khám chữa bệnh đối với hộ nghèo chuẩn thành phố; chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em; hỗ trợ thêm 500.000 đồng/1 hộ nghèo vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão ngoài mức hỗ trợ theo Nghị quyết 275/NQ-HĐND, với trên 12.000 hộ nghèo được thụ hưởng với tổng kinh phí 7,99 tỷ đồng. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp bảo trợ xã hội, cho vay vốn…

Ủy ban MTTQ Việt Nam, các hội đoàn thể, các địa phương đã vận động hỗ trợ cho 26.233 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, hộ khó khăn, với số tiền 18,876 tỷ đồng; hỗ trợ cho hàng trăm lượt hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Qua đó, đã giúp cho 3.124 hộ thoát nghèo (1,04%); phát sinh 402 hộ nghèo còn sức lao động (0,134%); hộ nghèo còn sức lao động còn lại đến cuối năm 2022 là 6.271 hộ (2,09%/tổng số hộ dân cư), đạt 95,7% so với kế hoạch HĐND thành phố giao; có 1.531 hộ thoát cận nghèo, phát sinh 585 hộ cận nghèo, số hộ cận nghèo cuối năm là 4.165 hộ (1,39%). 

Đơn cử như hộ ông Trần Chát, thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang là hộ nghèo, được hỗ trợ 20 triệu đồng từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” của xã để sửa nhà, giúp ổn định chỗ ở và thoát nghèo năm 2022. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình từ nguồn chăn nuôi giúp ông có cuộc sống ổn định.

Ông Trần Chát cho biết, trước đây gia đình rất khó khăn, nhà ở tạm bợ, được chính quyền cũng như các ban ngành, đoàn thể ở địa phương quan tâm, hỗ trợ gia đình kinh phí sửa nhà, ổn định chỗ ở của 2 vợ chồng. Tuy đã hết tuổi lao động nhưng vẫn cố gắng để chăn nuôi gia súc, gia cầm kiếm thu nhập để lo cuộc sống để Nhà nước hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn.

Hộ chị Lê Thị Hạ Lan, tổ 34, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê cũng được địa phương quan tâm hỗ trợ phương tiện sinh kế (bàn ghế, máy ép nước mía) trị giá 5 triệu đồng từ nguồn của quận năm 2022. Từ phương tiện sinh kế trên, chị đã buôn bán, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống gia đình và thoát nghèo năm 2022.

Chị Hạ Lan chia sẻ: “Trước đây gia đình nghèo vì thiếu vốn làm ăn, được quận và phường quan tâm, giúp đỡ sinh kế để buôn bán, tạo thu nhập. Nhờ vậy mà gia đình đã thoát nghèo. Cùng với quyết tâm, phương tiện sinh kế là rất quan trọng đối với những hộ nghèo. Mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để những hộ nghèo có thêm điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống và thoát nghèo”.

Năm 2023, theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố giảm còn 1,39%/tổng số hộ dân cư; Với mục tiêu tập trung vận động 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế có hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế của Nhà nước; hỗ trợ xây mới nhà ở cho 80 hộ nghèo và sửa chữa nhà ở cho 200 hộ nghèo có đất ở hoặc nhà ở nhưng bị xuống cấp, hư hỏng để có chỗ ở ổn định cuộc sống; hỗ trợ 1.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất 1 thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm …. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, để đạt những mục tiêu đề ra, các cấp, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được phân công trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đòi hỏi các cơ quan cần tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.

Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo ổn định về số lượng và chất lượng. Đảm bảo nguồn lực tài chính công cũng như nguồn lực tài chính huy động từ các dự án, doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ để thực hiện giảm nghèo theo từng giai đoạn.

Các tổ chức chính trị - xã hội, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo bền vững đến nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp… 

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp... nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. 

Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và kết nối, xuất khẩu lao động cho lực lượng lao động của các hộ nghèo, nhất là ở khu vực nông thôn. Kết nối người nghèo với thị trường thông qua các hình thức phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với hộ nghèo.

Đồng thời quan tâm nâng mức hỗ trợ xây mới và sửa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ tín dụng đối với hộ có mức sống trung bình; thực hiện tốt các chính sách phát triển sản xuất, việc làm, dạy nghề, giải quyết việc làm, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…. Có như vậy mới thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững mà thành phố đặt ra.

THIÊN ÂN

.