Tình trạng bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối được cả xã hội quan tâm lên tiếng bảo vệ. Trước thực trạng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp của thành phố có cách làm hay, nhiều mô hình thiết thực, nhân văn nhằm bảo đảm phụ nữ và trẻ em luôn được sống trong tình yêu thương, chăm lo phát triển toàn diện.
Mô hình “Góc tư vấn học đường” tại trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê). (Ảnh do Hội LHPN phường cung cấp) |
Là tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-2-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em và Quyết định số 1006/QĐ-UBND của UBND thành phố về đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Hội LHPN các cấp luôn xác định công tác phòng, ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của hội.
Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê Đỗ Thị Thu Hiền chia sẻ, Hội LHPN quận định hướng cho Hội LHPN 10 phường xây dựng nhiều mô hình phù hợp thực tiễn để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại.
Đến nay, trên địa bàn quận có 6 mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Điển hình là mô hình “Góc tư vấn học đường” tại Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển do Hội LHPN phường Thanh Khê Tây thành lập vào tháng 4-2022. Tổ tư vấn có 5 thành viên, gồm Chủ tịch Hội LHPN phường, cán bộ tư pháp - hộ tịch, cán bộ trẻ em, cảnh sát khu vực, giáo viên tổng phụ trách Đội nhà trường, nhằm lắng nghe và giúp đỡ khi các em cần sự giúp đỡ.
Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Thị Tuyết Vân cho biết: “Nhận thấy tâm sinh lý học sinh ở lứa tuổi THCS thay đổi thất thường nên các em rất cần người lớn thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ. Chúng tôi tiếp nhận mọi chia sẻ của các em qua hai hình thức đó là gọi điện trực tiếp đến tổ tư vấn hoặc viết thư đặt vào hòm thư tại “Góc tư vấn học đường”. Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được hàng trăm câu hỏi, ý kiến hay những sự chia sẻ của các em về cuộc sống, ước mơ và những nỗi băn khoăn mà các em đang gặp phải. Qua đó, mô hình đã giúp các em được giải tỏa tâm lý, tiếp thêm động lực để phấn đấu học tập mỗi ngày”.
Theo chị Tuyết Vân, Hội LHPN phường luôn giám sát chặt chẽ tình trạng phụ nữ bị bạo lực gia đình tại các khu dân cư. Ngày 6-4, chị Thân Thị B (Chi hội phụ nữ số 5) gửi đơn tố cáo đến phường về việc chị B bị chồng bạo hành. Hội LHPN phường nhanh chóng phối hợp công an phường và Thường trực Hội LHPN quận giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chị B.
Tại phường An Khê, Hội LHPN phường triển khai mô hình “Công khai địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em” bằng mã QR tại các nhà sinh hoạt cộng đồng KDC và nhà tạm lánh tại trụ sở UBND phường có đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt và các nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ phụ nữ gặp các vấn đề về bạo lực gia đình.
Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Đỗ Thị Thu Hiền bày tỏ, thông qua những mô hình thiết thực của các phường đã góp phần bảo đảm được sự an toàn cho phụ nữ cũng như học sinh có nơi để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình. Thời gian tới, quận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới và phòng, ngừa ứng phó bạo lực, tâm lý của phụ nữ và trẻ em.
Tại quận Cẩm Lệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Ngô Thị Thùy Trang cho biết, Hội LHPN quận tập trung đẩy mạnh hình thức tuyên truyền qua các nền tảng mạng xã hội, xây dựng các tiểu phẩm truyền thông có nội dung liên quan đến các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em với thông điệp “Hãy tự tin mạnh mẽ lên tiếng, bởi im lặng là tiếp tay cho hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Đặc biệt, Hội LHPN quận thể hiện vai trò của mình trong công tác giám sát về tình hình quản lý, hoạt động chăm sóc, giáo dục của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn quận tại 4 nhóm trẻ thuộc phường Hòa An và Khuê Trung.
Chị Thùy Trang chia sẻ: “Qua giám sát, Hội LHPN quận phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm tại các nhóm lớp. Cụ thể, nhóm trẻ Trúc Xinh (thuộc phường Khuê Trung) cần trang bị lại thiết bị để phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tại nhóm trẻ ABC (thuộc phường Hòa An) khu vệ sinh chưa bảo đảm cho trẻ khi đi vệ sinh. Qua đó, chúng tôi chuyển kiến nghị và đề nghị UBND phường Khuê Trung và Hòa An tăng cường công tác quản lý các nhóm trẻ, khắc phục kịp thời các hạn chế nhằm mang đến môi trường học tập an toàn cho trẻ”.
THANH PHƯƠNG