Chính trị - Xã hội

Xuyên đêm với bão Noru

06:18, 21/06/2023 (GMT+7)

Một ngày đêm theo chân lãnh đạo thành phố đi kiểm tra thực tế về công tác ứng phó bão số 4 (bão Noru), một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, chúng tôi chứng kiến bao lo âu và sự khẩn trương, nhọc nhằn, để rồi kết thúc trong sự phấn khởi khi tính mạng và sức khỏe của nhân dân thành phố được bảo đảm an toàn, thiệt hại về tài sản cũng giảm thiểu đến mức thấp nhất.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó lũ quét tại công trình đập dâng Nam Mỹ. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó lũ quét tại công trình đập dâng Nam Mỹ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đồng lòng, chung sức ứng phó bão lớn

Sáng và chiều 27-9-2022, chúng tôi vừa theo chân lãnh đạo thành phố đến kiểm tra thực tế công tác ứng phó bão số 4 ở huyện Hòa Vang và các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu..., vừa cập nhật kịp thời tin bão cùng những chỉ đạo ứng phó bão của lãnh đạo thành phố lên Báo Đà Nẵng Online.

Dọc đường và những địa điểm đến kiểm tra, không khí lo âu, khẩn trương trước bão hiện trên từng khuôn mặt, dáng đi tất bật như chạy của lãnh đạo thành phố cùng các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân, nhất là khi nghe tin dự báo bão đã mạnh thêm và tăng cấp gió. Nhưng qua những cái bắt tay nắm chặt, những lời động viên ân cần của lãnh đạo thành phố, những báo cáo của lãnh đạo các đơn vị, địa phương và những lời tỏ bày của người dân tại các điểm sơ tán đều thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức ứng phó với thử thách cam go này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) động viên bà con nhân dân tại điểm sơ tán Trường Tiểu học Trần Thị Lý, phường Thanh Bình, quận Hải Châu trong chiều 27-9-2022. Ảnh: VĂN HOÀNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) động viên bà con nhân dân tại điểm sơ tán Trường Tiểu học Trần Thị Lý, phường Thanh Bình, quận Hải Châu trong chiều 27-9-2022. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tinh thần ấy được tô đậm trong đoạn đầu tiên của bài viết  “Quyết liệt phòng chống bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân” đăng trên trang nhất của Báo Đà Nẵng số ra ngày 28-9-2022: “Với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, quân và dân thành phố đồng lòng, chung sức ứng phó với bão lớn”...

Trưa quên ăn, đến gần 21 giờ đêm 27-9, lãnh đạo thành phố cùng các sở, ban, ngành và cả phóng viên mới ăn tối, bởi tại cuộc họp trực tuyến do Ban Chỉ đạo tiền phương của Trung ương về ứng phó bão số 4 vừa kết thúc, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh báo cáo là Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành công tác ứng phó bão và tính đến 20 giờ cùng ngày, các địa phương đã sơ tán được hơn 87.400 người, nhiều hơn 20.000 người so với phương án ban đầu (thực tế, khi các địa phương báo cáo đầy đủ, đã có đến 89.279 người đi sơ tán đến nơi an toàn).

Trắng đêm với bão

Trong hội trường tầng 2 của Trung tâm Hành chính thành phố, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Sơn Phong cùng các chuyên viên của sở trình chiếu hình ảnh từ tất cả camera trên địa bàn thành phố lên màn hình lớn. Nhiều người cùng căng mắt nhìn lên những màn ảnh nhỏ từ nhiều camera để tìm những điểm bất thường nhằm kịp thời báo cáo, đề xuất ứng phó các sự cố cứu nạn, cứu hộ...

Khoảng 23 giờ 45, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng đến hội trường để tham gia họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo tiền phương của Trung ương về ứng phó bão số 4. Cuộc họp trực tuyến này bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 28-9. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh báo cáo là trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có gió giật mạnh, làm 30 cây xanh bị ngã đổ, thành phố chưa ghi nhận thiệt hại nào khác. Các lực lượng xung kích đang túc trực tại các khu vực xung yếu, nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó với bão.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ 2, bên phải sang) kiểm tra một điểm sơ tán nhân dân vào chiều 27-9-2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ 2, bên phải sang) kiểm tra một điểm sơ tán nhân dân vào chiều 27-9-2022. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cuộc họp bị tạm ngưng một lúc lâu, do sự cố đường truyền tín hiệu vì mưa và gió bão. Trong khoảng thời gian này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban nhấn mạnh nhiều lần: “Đà Nẵng sẽ an toàn!” khi báo cáo với Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố. Điều mà không ai dám tin vì 2 giờ sau đó, tâm bão mới cập bờ biển.

Kết thúc cuộc họp, Bí thư Thành ủy đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo ứng phó bão. Trong hội trường, nhiều đôi mắt tiếp tục chăm chú trên màn hình lớn trình chiếu hình ảnh từ hệ thống camera. Khoảng 3 giờ sáng 28-9, hình ảnh chụp từ mây vệ tinh cho thấy, tâm bão bắt đầu cập bờ biển ở giữa Đà Nẵng và Quảng Nam với vùng tâm bão rất rộng.

Lúc này, thông qua các kênh thông tin, có 3 gia đình cần hỗ trợ đi sơ tán vì gió quá mạnh, lo ngại nhà ở không an toàn. Trong gió bão mạnh và mưa lớn, các lực lượng chức năng đã kịp thời đến tận nơi phản ánh để đưa người dân đi sơ tán. Khi gió bão đang giật mạnh vì tâm bão đã đổ bộ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đưa xe bọc thép chở bác sĩ hỗ trợ một sản phụ đang chuyển dạ ở quận Liên Chiểu, rồi chở sản phụ đến bệnh viện để sinh em bé.

Lúc 5 giờ sáng 28-9, ngay khi gió bão đã giảm mạnh, Ban Chỉ đạo tiền phương của Trung ương về ứng phó bão số 4 lại triệu tập họp khẩn trực tuyến. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh báo cáo, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa ghi nhận thiệt hại về người, chỉ có một số nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, một đoạn tường rào của một trường học bị ngã. Các tàu cá đang neo đậu và ngư dân ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang an toàn...

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cũng bước vào hội trường và chia sẻ thông tin vừa đi kiểm tra thực tế dọc các tuyến đường ven biển là cơ sở hạ tầng không bị hư hại, chỉ có nhiều cát và rác bị sóng biển tấp lên mặt đường... Ngay sau đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các công việc tiếp theo, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân phải thật cẩn trọng sau bão. Kết quả không có người chết và bị thương do bão được giữ vững đến hết ngày 29-9-2022 khi lũ xuất hiện sau bão rút hết ở huyện Hòa Vang.

Một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng nhưng thiệt hại được giảm thiểu thấp nhất, tính mạng và sức khỏe của nhân dân thành phố đã được bảo đảm tuyệt đối an toàn, đây còn là một bài học kinh nghiệm xây dựng thành phố an toàn, phát triển bền vững.

HOÀNG HIỆP

.