Chính trị - Xã hội

Thủ lĩnh thanh niên làm báo

21:41, 20/06/2023 (GMT+7)

Nhà báo Trần Đình Tri, sinh ngày 10-4-1915 (Ất Mão). Ông là đại biểu Quốc hội khóa I đến khóa VI, liên tục 35 năm ông đã đảm đương nhiều chức trách: Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhiều nhiệm kỳ. Nghỉ hưu từ năm 1980, ông là Trưởng ban liên lạc đầu tiên Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hà Nội.

Từ trái sang: Ông Trần Đình Tri cùng các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước: Dương Bạch Mai, Lê Duẩn, Phạm Hùng. (Ảnh: Tư liệu gia đình)
Từ trái sang: Ông Trần Đình Tri cùng các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước: Dương Bạch Mai, Lê Duẩn, Phạm Hùng. (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Thủ lĩnh thanh niên dân chủ

Trần Đình Tri quê ở làng Gia Cốc, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, học hết tiểu học ở trường Mỹ Hòa (Đại Lộc), cậu học trò Trần Đình Tri thi vào Quốc học Huế. Từ mái trường Quốc học, ông tham gia hoạt động cách mạng khi chưa tròn 20 tuổi.

Từ một thành viên tổ chức Thanh niên phản đế ở Huế, Trần Đình Tri trở thành thủ lĩnh phong trào thanh niên ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Năm 1937, sau khi đỗ thành chung (bậc học thời Pháp thuộc, tương đương lớp 9 ngày nay), người thanh niên đất Quảng ra Hà Nội tham gia phong trào Thanh niên dân chủ, rồi mau chóng trở thành một trong bộ tứ thủ lĩnh thanh niên thường được nhắc đến thời đó: Khanh - Kỳ - Tri - Quản.

Bốn thanh niên này về sau đều trở thành những nhân vật tên tuổi lẫy lừng: Nguyễn Thường Khanh chính là nhà thơ - liệt sĩ Trần Mai Ninh, tác giả bài thơ “Nhớ máu” và “Tình sông núi” được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007). Đào Duy Kỳ, quyền Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam, Tổng đoàn trưởng Thanh niên Việt Nam, Phó Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Thành Ngọc Quản mang bí danh mới Đào Văn Trường, từ Côn Đảo trở về với kiến thức quân sự từ thời lãnh đạo Cứu quốc quân khu du kích Bắc Sơn - Võ Nhai đã mau chóng trở thành Khu trưởng Chiến khu 8, Quyền Tổng tham mưu phó kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 351 pháo binh...

Trần Đình Tri cũng nổi bật: Tháng 9-1945, ông là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Nẵng, từng là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Đà Nẵng. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Nam khóa đầu tiên (1946). Tháng 2-1946, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Đà Nẵng. Tháng 12-1946, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sáp nhập thành một đơn vị hành chính, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Quảng Nam - Đà Nẵng.

Làm báo của Đoàn Thanh niên

Trước đó, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông vừa viết báo vừa làm biên tập xuất bản. Thời gian này, Trần Đình Tri đã có nhiều dịp làm việc trực tiếp với những cán bộ cao cấp của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ như Hạ Bá Cảng (tức Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh)... Năm 1938, ông vào Sài Gòn dạy học, viết báo. Thời gian này, nhà báo Lưu Quý Kỳ đã ghi lại trong hồi ức về phong trào “Thanh niên Dân chủ Nam Kỳ”.

Đó là thời kỳ xây dựng vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù và để tuyên truyền tổ chức thanh niên. Vũ khí đó chính là báo chí. Ban trị sự Đoàn Thanh niên Dân chủ Nam Kỳ lúc đó chủ trương xuất bản một tờ báo lấy tên là “Thanh niên”. Cùng lúc đó, báo “Thế giới”, cơ quan của Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Bắc Kỳ bị cấm lưu hành ở Trung Kỳ. Vì vậy, cán bộ lãnh đạo Trung ương ngoài Hà Nội cử người vào Sài Gòn để lo việc xuất bản một tờ báo thay thế cho tờ “Thế giới”, có thể phát hành được ở cả nước.

Ông Trần Đình Tri là một trong hai người từ Bắc vào Sài Gòn để lo cho tờ báo ra đời. Vào việc một thời gian, Trần Đình Tri chuẩn bị xong cơ sở vật chất cho cơ quan báo và báo trước với nhà đương cục: Ngày 29-3-1939 “Tuần báo Thanh niên” sẽ ra đời với tính chất là “diễn đàn chung của thanh niên Đông Dương”.

Lo sợ ảnh hưởng của tờ báo, ngày 7-3-1939, mật thám Pháp tới khám xét trụ sở báo, bắt gần 10 người rồi truy tố là “lập ra cơ quan ngôn luận của hội kín của Thanh niên Dân chủ”. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, trước áp lực đấu tranh của thanh niên và các giới dư luận, họ được trả tự do. Anh em lại tiếp tục chuẩn bị cho một tờ báo khác. Trần Đình Tri vẫn là lãnh đạo chủ chốt để vận động, chuẩn bị ra báo. Sau đó, ông giữ vai trò Giám đốc chính trị cho tờ báo “Mới”, cơ quan của Đoàn Thanh niên Dân chủ Nam Kỳ.

Tuyến đường Trần Đình Tri tại quận Liên Chiểu nhìn từ trên cao. Ảnh: N.QUANG
Tuyến đường Trần Đình Tri tại quận Liên Chiểu nhìn từ trên cao. Ảnh: N.QUANG

Ngày 1-5-1939, báo “Mới” ra đời. Nhà báo Lưu Quý Kỳ nhớ lại: “Không thể nói hết sự vui mừng và phấn khởi của các đoàn viên lúc được tin tờ báo của Đoàn đã ra đời. Từ đây, anh chị em đã có một vũ khí tư tưởng để chống kẻ thù và để đẩy mạnh việc xây dựng Đoàn. Vì vậy, mỗi đoàn viên đều tự nguyện làm một người cổ động, phát hành và độc đáo của Đoàn”. Bộ phận biên tập viên nòng cốt thường xuyên của báo “Mới” ở Sài Gòn lúc ấy gồm: Lã Vĩnh Lợi, Trần Đình Tri, Trần Minh Tước (Xích Điểu), Lương Đàm (tức Nguyễn Văn Phó). Bài vở ở Bắc gửi vào có các nhà báo, nhà văn Như Phong, Nguyên Hồng, Trần Mai Ninh,... Ở Trung Bộ có bài gửi vào của các cây bút Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Sơn Trà, Tố Hữu...

Báo “Mới” ngay từ số 2 đã có tiếng vang rộng trong các giới thanh niên và ngay cả trong giới báo chí, vì nó là cơ quan chính thức của Thanh niên Dân chủ và vì tinh thần sáng tạo của nó về nghiệp vụ báo chí. Báo “Dân chúng” của Đảng lúc ấy đã giới thiệu báo “Mới” như sau: “... một tờ báo vừa trẻ trung về tinh thần, vừa mới mẻ hình thức đã mạnh dạn chào đời;... văn chương đầy hương vị, ý tứ chan chứa hy vọng của thanh niên, báo “Mới” đã thu phục được cảm tình của bạn trẻ”. Thấy báo “Mới” có sức hấp dẫn người đọc, thực dân Pháp lại vội vã ra tay xử lý. Đến số 11, tờ báo bị rút giấy phép sau 5 tháng tồn tại. Báo “Mới” đã kiên quyết làm nhiệm vụ của mình một cách oanh liệt đến giờ cuối cùng, ghi thêm một chiến công đáng kể của thanh niên và của báo chí cách mạng Việt Nam.

Trần Đình Tri mất ngày 13-8-1994, thọ 79 tuổi. Ghi nhận thành tích của ông, Đảng, Nhà nước tặng thưởng ông Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác...

NGỌC PHƯƠNG

* Tư liệu bài viết do gia đình Trần Đình Tri cung cấp

.