Chính trị - Xã hội
Ấm lòng "Bữa cơm đại đoàn kết"
Hằng năm vào ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11), nhiều khu dân cư (KDC) trên địa bàn thành phố tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”. Đây là dịp để nhân dân trong KDC ngồi lại với nhau sau những ngày lao động bận rộn, là một nét đẹp văn hóa,, trở thành cầu nối trong việc tăng cường mối liên kết cộng đồng.
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại bữa cơm đại đoàn kết tại khu dân cư 20 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Ảnh: Ban CTMT KDC cung cấp |
Sau 20 năm triển khai, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC đã tạo nên những điểm nhấn, sắc thái riêng của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư. Theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ KDC Hòa Mỹ 6 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) Nguyễn Công Chi, KDC Hòa Mỹ 6 thuộc làng Hòa Mỹ vẫn còn mang đậm nét mộc mạc làng quê nên người dân không hiếm dịp được chung mâm, nhất là vào các dịp đám giỗ hay dịp lễ hội đình làng Hòa Mỹ hằng năm. Tuy nhiên, bữa cơm được tổ chức trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mang một ý nghĩa riêng.
Ông Chi nói: “Trong bữa cơm này, người dân được nghe báo cáo tổng kết một năm về tình hình của KDC. Còn lãnh đạo các cấp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có những sự điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành hợp lòng dân hơn. Chính điều này đã tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa người dân và cán bộ. Từ đó, người dân đồng thuận và chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Tại KDC 20 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), sau hơn 2 năm tạm dừng tổ chức do Covid-19, năm 2022, người dân được tham gia bữa cơm đại đoàn kết lớn nhất từ trước đến nay. Ông Phạm Đình Duẩn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận KDC cho hay, ông vận động 35 triệu đồng để tổ chức ngày hội. Đây là điều đáng tự hào vì từ trước đến nay KDC chưa tổ chức ngày hội có quy mô như vậy.
Ông Duẩn chia sẻ: “Trong ngày hội, KDC trao các phần quà đến những gia đình khó khăn và biểu dương các cá nhân có đóng góp tích cực tại KDC. Những món quà tuy nhỏ nhưng chứa đầy sự quan tâm, động viên và khích lệ tinh thần bà con trong KDC. Trong bữa cơm còn có những tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian…làm phong phú hơn đời sống của người dân KDC. Từ đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiệu quả các phong trào, mô hình ở KDC như: cuộc vận động 3 hơn “Sạch đẹp hơn, an toàn hơn, văn minh và lịch sự hơn”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” và “Điểm chữa cháy công cộng”...
Bữa cơm đại đoàn kết tại KDC 3 Phần Lăng (phường An Khê, quận Thanh Khê) duy trì từ năm 2009 đến nay, thực sự trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống hằng năm ở KDC này. Trưởng ban công tác Mặt trận KDC Bùi Anh Dũng cho biết: “Trước khi tổ chức ngày hội, người dân chung tay dọn dẹp vệ sinh khu phố. Trong bữa cơm, sau phần lễ là phần hội hấp dẫn, người dân chơi các trò chơi dân gian, giao lưu, thăm hỏi và kết nối để mở rộng tình làng nghĩa xóm “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Sau những bữa cơm đặc biệt ấy, người dân ở KDC thêm hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn, những mâu thuẫn, xích mích nhỏ ngày thường cũng được tháo gỡ”.
Đến tham dự bữa cơm đại đoàn kết tại KDC 3 Phần Lăng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, các hoạt động, các tiết mục văn nghệ được chuẩn bị rất kỹ. Trong ngày hội, KDC có nghĩa cử nhân văn là tặng những phần quà dành cho các hộ khó khăn để động viên vươn lên trong cuộc sống. Để tổ chức bữa cơm đại đoàn kết thành công, cán bộ cơ sở, đặc biệt cán bộ Mặt trận phải là người tâm huyết, có năng lực vận động vận động, tổ chức và gắn kết người dân trong các hoạt động cộng đồng. Có như vậy thì bữa cơm đại đoàn kết mới thực sự có ý nghĩa.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn chia sẻ: “Có dịp tham dự “Bữa cơm đại đoàn kết” ở nhiều KDC, ấn tượng đọng lại trong tôi là sự đầm ấm và thân tình. Bữa cơm là dịp người dân “tắt bếp” gia đình để “đỏ bếp chung”. Qua đây khẳng định sự đồng thuận giữa các hộ dân trong KDC không phân biệt tôn giáo, dân tộc, thành phần kinh tế… Tinh thần đoàn kết, tình cảm bà con hàng xóm nhờ vậy được gìn giữ. Nghĩa đồng bào trong cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các hộ gia đình khó khăn trong cộng đồng dân cư”.
Theo bà Mẫn, qua việc tổ chức ngày hội, các ban công tác Mặt trận KDC thông tin tình hình hoạt động ở KDC, giúp người dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của địa phương, thấy rõ ý nghĩa từ việc đóng góp của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng ngày càng phát triển. Một trong những điểm mới những năm gần đây là ngày hội còn có sự tham gia các sinh viên Lào trong chương trình homestay (ở nhà dân) cho sinh viên Lào đang theo học tại Đà Nẵng cùng giao lưu, vui chơi tại ngày hội. Qua đó, các sinh viên Lào được tìm hiểu về văn hóa Việt Nam nhằm gắn kết tình hữu nghị Việt - Lào, góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân.
THANH PHƯƠNG