Chính trị - Xã hội
Cục trưởng Hàng không: Chưa có thông tin về hãng bay Việt phá sản
Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam luôn cô gắng hỗ trợ tối đa cho các hãng bay vì thông cảm và hiểu được khó khăn của các hãng sau đại dịch Covid-19.
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Liên quan đến thông tin vừa qua có nói đến một hãng hàng không Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phá sản, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết luật phá sản có các quy định pháp luật về phá sản và phải thực hiện theo trình tự.
“Tuy nhiên, tôi chưa nắm được thông tin và không có bình luận gì về vấn đề hãng bay Việt Nam nào phá sản,” ông Thắng chia sẻ.
Trao đổi bên lề hội nghị công bố quy hoạch các cảng hàng không, sân bay vào sáng 14-7, theo ông Thắng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam luôn cô gắng hỗ tợ tối đa cho các hãng bay vì thông cảm và hiểu được khó khăn của các hãng sau đại dịch Covid-19.
Đánh giá đây không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam mà các hãng bay trên thế giới đều gặp phải, vị Cục trưởng Cục Hàng không nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các hãng hàng không trong thời gian tới.
Trả lời đến việc các hãng bay gặp khó khăn về nguồn lực có dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng an toàn bay, ông Thắng khẳng định, Cục Hàng không đang kiểm soát chặt chẽ an toàn bay. Do đó, các khó khăn của các hãng bay về nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến an toàn bay, không có chuyến bay nào không bảo đảm an toàn lại có thể cất cánh.
“Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là Nhà chức trách hàng không sẽ quản lý hết sức chặt chẽ vấn đề này dù thời gian qua có xảy ra một số vụ việc về an toàn bay nhưng không phải do các hãng hàng không gặp khó khăn. Cục đang điều tra và sẽ thông tin sớm về các sự cố nhằm rà soát và bổ sung nguyên tắc an toàn trong công tác điều hành bay,” ông Thắng nói.
Đề cập đến tăng giá trần vé máy bay nội địa, theo Cục trưởng Cục Hàng không, cục đã báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải và có dự thảo thông tư, hiện đã xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về vấn đề này.
“Quan điểm của Cục Hàng không thì giá trần lần này tăng không nhiều, tỷ lệ tăng tương đối thấp. Giá trần đề xuất tăng thực tế là quay lại trần giá đã áp dụng từ năm 2015. Giá nâng trần lần này chưa phản ánh được chi phí phát sinh của các hãng hàng không, nhất là các chi phí xăng dầu và thuê mua máy bay, nhân công đang đều ‘nhảy múa’ lên cao,” ông Thắng phân tích.
Nhận định về thị trường hàng không sáu tháng đầu năm nay, người đứng đầu Cục Hàng không cho rằng hàng không Việt vẫn đang phục hồi và tiếp tục phát triển, tuy nhiên cũng không thể đánh giá hết khó khăn, vướng mắc trong quá trình phục hồi.
“Thị trường hàng không nội địa phục hồi ngoài kỳ vọng nhưng quốc tế chưa đạt được vậy dù mục tiêu phấn đấu quý 3-2023 phục hồi hoàn toàn nhưng thực tế sẽ kéo dài hơn, đây là tình trạng chung thế giới,” ông Thắng chia sẻ.
Ngay trong chiều ngày 14-7, hãng hàng không Bamboo Airways cho biết thời gian qua đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để đảm bảo lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.
Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối. Hãng sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực để tiếp tục đem tới dịch vụ hàng không chất lượng cao, hiếu khách, tận tâm.
Theo Vietnam+