Chính trị - Xã hội

Hiệu quả từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa

06:20, 27/07/2023 (GMT+7)

Những năm qua, ngoài thực hiện tốt chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người có công cách mạng, các cấp ủy, chính quyền địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa. Từ nguồn quỹ này, nhiều hoạt động thiết thực tri ân người có công được thực hiện, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc và cải thiện đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn thành phố.

Khám sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố. Ảnh: LÊ VY
Khám sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố. Ảnh: LÊ VY

Kịp thời hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn

Nằm trong kiệt nhỏ trên đường Phan Châu Trinh, căn nhà cấp 4 của chị Đoàn Thị Thương (con liệt sĩ, trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu) trông rất tươm tất và vững chãi. Ít ai biết rằng, căn nhà này trước đây từng bị xuống cấp nặng. Chị Thương cho biết, trước đó, cả gia đình 4 người sống trong căn nhà cấp 4 chật chội do cha mẹ để lại. Mùa hè rất nóng nực. Mùa mưa thì bị thấm dột ẩm ướt. Hai vợ chồng chị có thu nhập thấp, lại nuôi con ăn học, nên hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2020, UBND phường Bình Thuận khảo sát, trích 20 triệu đồng từ quỹ đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ gia đình chị sửa chữa lại căn nhà. “Không có sự hỗ trợ này, gia đình tôi không dám nghĩ đến chuyện sửa nhà. Nay chúng tôi đã được ở trong căn nhà kiên cố, không lo nắng mưa. Chúng tôi biết ơn chính quyền các cấp đã quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho gia đình vượt qua khó khăn”, chị Thương bày tỏ.

Bên cạnh giúp các gia đình chính sách an cư, nguồn kinh phí được trích từ quỹ đền ơn đáp nghĩa còn được các địa phương sử dụng để hỗ trợ các trường hợp đau ốm, khó khăn đột xuất. Ông Phạm Thanh Minh, thương binh 1/4 (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, những lúc ốm đau, ông đều nhận được sự thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời của chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể. Đây là niềm tự hào, nguồn động viên lớn đối với gia đình ông.

Còn bà Phan Thị Tứ, thương binh 1/4 (trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) thường xuyên ốm đau nên được địa phương quan tâm, đến thăm hỏi, tặng quà. “Vào những dịp lễ, Tết, đặc biệt là ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi đều nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo thành phố và địa phương. Tôi mong thời gian tới, chính quyền các cấp, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng”, bà Tứ chia sẻ.

Sử dụng hiệu quả quỹ đền ơn đáp nghĩa

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), trên địa bàn thành phố hiện có hơn 17.500 lượt đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hằng tháng trên 28,2 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 133/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND thành phố, quy định mức tiền tối thiểu để làm cơ sở vận động đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ được vận động ở 3 cấp, gồm: người dân, cán bộ, công chức và doanh nghiệp.

Trong đó, vận động người dân đóng góp 10.000 đồng/năm và cán bộ, công chức, người lao động tại các doanh nghiệp đóng góp một ngày lương/năm. Từ năm 2018 đến 2022, thành phố vận động được hơn 67,3 tỷ đồng xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, đã chi gần 66,5 tỷ đồng cho việc tu sửa, chỉnh trang, chăm sóc và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; xây, sửa chữa nhà tình nghĩa và trợ cấp khó khăn đột xuất cho gia đình người có công, hoàn cảnh khó khăn do đau ốm thường xuyên và mắc bệnh hiểm nghèo.

Riêng đối với việc xây, sửa nhà tình nghĩa, mỗi năm, thành phố chi trên 20 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện công tác này. Những trường hợp gia đình chính sách có nhu cầu xây, sửa nhà phát sinh ngoài kế hoạch sẽ được chi từ quỹ đền ơn đáp nghĩa. Ngoài ra, quỹ còn hỗ trợ cho hội viên hội tù yêu nước bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn 200 triệu đồng/năm.

Đối với quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhiều địa phương có kế hoạch quản lý, sử dụng hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Đơn cử, 5 năm qua, quận Cẩm Lệ vận động xây dựng quỹ được hơn 1 tỷ đồng, đã dùng chi cho thăm hỏi ốm đau, chi trợ cấp khó khăn cho người có công hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 1 tỷ đồng và tu bổ sửa chữa Đài tưởng niệm Liệt sĩ Hòa Vang với kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Tại quận Hải Châu, từ năm 2019 đến nay vận động được gần 8 tỷ đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa. Qua đó, chi hỗ trợ gần 5,5 tỷ đồng hỗ trợ gia đình chính sách xây, sửa nhà, thăm hỏi ốm đau, khó khăn đột xuất. Trưởng phòng LĐ,TB&XH quận Hải Châu Huỳnh Thị Mỹ Lệ cho biết, nguồn quỹ này được quận và các phường triển khai vận động cả năm. Vì vậy, các trường hợp gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn sẽ được rà soát, hỗ trợ thường xuyên, không cộng dồn. “Các đối tượng chính sách ốm đau, bệnh tật thường xuyên được địa phương quan tâm, thăm hỏi và trao hỗ trợ trong năm, không riêng dịp 27-7”, bà Lệ cho hay.

Theo Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ,TB&XH Trương Thị Như Hoa, 5 năm qua, công tác vận động và sử dụng quỹ đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn thành phố được thực hiện đúng quy định. Công tác này đã trở thành nét đẹp văn hóa và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong việc chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Năm 2023, thành phố phấn đấu vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Trong đó, cấp thành phố phấn đấu đạt 4,5 tỷ đồng, cấp quận, huyện, phường, xã đạt hơn 8 tỷ đồng. “Những năm qua, người dân, cán bộ, đảng viên từ thành phố đến phường, xã đều hưởng ứng ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa. Hiệu quả của quỹ đã góp phần thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa để tri ân người có công, nhất là giúp gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống”, bà Hoa khẳng định.

THIÊN DUYÊN

.