Chính trị - Xã hội

Kiến tạo xây dựng thành phố, góp phần phát triển kinh tế-xã hội

06:59, 14/07/2023 (GMT+7)

Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, ngành tài nguyên và môi trường đóng một vai trò quan trọng, nhất là về nguồn lực đất đai, khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến về công tác quản lý Nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường trên địa bàn.

Nguồn lực đất đai đã và đang được phát huy, đóng góp quan trọng trong xây dựng thành phố. Ảnh: H.H
Nguồn lực đất đai đã và đang được phát huy, đóng góp quan trọng trong xây dựng thành phố. Ảnh: H.H

* Ông Huỳnh Tấn Quang, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng: Phát huy nguồn lực đất đai, thu hút đầu tư từ đấu giá đất

Trong thời gian dài, Đà Nẵng nổi lên như một điểm sáng trong việc huy động tốt nguồn lực từ đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội với việc hình thành các dự án, công trình động lực trọng điểm góp phần tạo thành thương hiệu “thành phố đáng sống”. Lĩnh vực thu hút đầu tư từ nguồn lực đất đai và công tác đấu giá quyền sử dụng đất luôn được thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Nhiều khu đất được đấu giá để thực hiện dự án đầu tư và thu được những kết quả nhất định, tăng nguồn thu tối đa cho ngân sách Nhà nước... Trong giai đoạn 2017-2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đấu giá thành công 19 dự án, khu đất với tổng diện tích 108,9ha, thu 2.407 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng quản lý 340 khu đất với tổng diện tích 211,2ha phục vụ cho công tác thu hút và kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp để quản lý, khai thác quỹ đất công hiệu quả, bảo đảm mục tiêu thu hút đầu tư và tạo nguồn ngân sách lớn để thành phố thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sở đã công bố danh mục 34 khu đất sẽ được đấu giá, kêu gọi đầu tư các dự án, công trình động lực, trọng điểm thu hút đầu tư như dự án Tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn); dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí có thưởng và chung cư cao cấp dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà); dự án Không gian sáng tạo (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ); dự án Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân... Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc duy trì nguồn lực thu hút đầu tư thông qua công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

* Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và tài nguyên nước: Thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước

Trước khi Nhà máy nước Hòa Liên vận hành, hòa nước vào mạng lưới cấp nước của thành phố vào ngày 25-5-2023, hơn 90% trữ lượng nước cấp cho thành phố Đà Nẵng được khai thác ở hạ lưu sông Vu Gia (đoạn sông Yên và Cẩm Lệ). Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nước sông Vu Gia đã khiến thành phố trong một thời gian dài đối mặt với các thách thức gây mất an ninh nguồn nước.

Trong chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố đã đặt ra mục tiêu phải bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý...

Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, Đà Nẵng đã ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển và bảo vệ tài nguyên nước sông Cu Đê (sông nội tỉnh). Theo quy hoạch, nguồn nước sông Cu Đê sẽ được khai thác, phát triển từ công suất 120.000m3/ngày tại thời điểm hiện nay lên 240.000m3/ngày vào năm 2030 và có thể đạt 400.000m3/ngày vào năm 2050, bảo đảm cung cấp đến 40% nhu cầu dùng nước của toàn thành phố.

Theo đó, một hồ chứa sẽ hình thành trên sông Bắc, thượng nguồn sông Cu Đê với dung tích hữu ích 50 triệu m3, đóng vai trò là “kho báu” dự trữ nước của toàn thành phố. Việc phát triển nguồn nước sông Cu Đê sẽ giúp Đà Nẵng giảm phụ thuộc vào nguồn nước sông Vu Gia.

Tuy nhiên, thành phố cũng cần chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để bảo đảm an ninh nguồn nước, chung tay hành động bảo vệ tài nguyên nước. Cần thay đổi tư duy về việc bảo đảm nhu cầu sử dụng nước của con người, không tiếp cận theo cách thỏa mãn tối đa nhu cầu sử dụng nước, mà tiếp cận theo hướng tiết giảm tối đa các nhu cầu sử dụng để giảm khai thác nước, giảm lượng nước xả thải vào nguồn nước, bảo đảm khả năng tự phục hồi, tự làm sạch của thiên nhiên.

Thành phố cũng cần xây dựng và thực thi các công cụ kinh tế để ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm nguồn nước, cung ứng các dịch vụ nước, đặc biệt là chính sách tính đúng, tính đủ, nâng cao giá trị của nước trong các hoạt động của đời sống, làm cơ sở nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người, đơn vị trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Thành phố tiếp tục bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác...

* Ông Trần Ngọc Biên, Chuyên viên Phòng Khoáng sản và tài nguyên nước: Góp phần đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho thành phố

Trong 20 năm qua, công tác quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đi vào nền nếp, vừa mang lại nguồn thu cho thành phố đầu tư phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ công trình động lực, trọng điểm, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trên địa bàn thành phố đang có 10 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đang hoạt động gồm: 9 mỏ đá xây dựng, 1 mỏ đất làm vật liệu san lấp; ngoài ra, có 3 khu vực được cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở trong dự án đầu tư xây dựng công trình và 3 khu vực đăng ký khối lượng, công suất, thiết bị khai thác theo bản xác nhận.

Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản về nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, sở cũng tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản và kịp thời tham mưu UBND thành phố cấp phép cho các đơn vị khai thác mỏ khoáng sản đúng quy định.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản được tăng cường. Bên cạnh đó là tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 3 khu vực mỏ đất san lấp tại xã Hòa Liên và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với số tiền thu được vào ngân sách cao gấp 5,8-16,2 lần với giá khởi điểm.

Hoạt động khai thác khoáng sản đang góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố cũng như đóng góp vào ngân sách thành phố các khoản nghĩa vụ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền, phí bảo vệ môi trường (từ năm 2018-2022 thu 223,2 tỷ đồng) và giải quyết hàng ngàn việc làm cho người lao động. Công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án đóng cửa mỏ được Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tham mưu thực hiện.

Thời gian đến, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm… Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền một số giải pháp, cơ chế, chính sách đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời triển khai các dự án khai thác mỏ, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ các công trình trọng điểm, động lực, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

HOÀNG HIỆP ghi

.