Chính trị - Xã hội
Lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
ĐNO - Sáng 8-7, tại Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị lấy ý kiến các TAND khu vực duyên hải miền Trung và Tây nguyên đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình (phải) phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: LÊ HÙNG |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau 8 năm thực hiện, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã phát huy tác dụng, hệ thống tòa án được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án được củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng; chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc được bảo đảm, đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, trước nhu cầu phát triển của đất nước, tiếp tục cần có đổi mới hơn nữa để nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp và công tác xét xử. Vì vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND với mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động hợp lý, khoa học hơn so với hiện nay là một đòi hỏi khách quan.
Để dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được trình Quốc hội đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu về cải cách tư pháp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án, hội đồng tư pháp quốc gia; tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục tuyển chọn và bổ nhiệm thẩm phán, chế độ chính sách đối với thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, hội thẩm; các quy định về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của tòa án…
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, những ý kiến phát biểu của các đại biểu là nguồn tư liệu, kiến thức quý báu để đơn vị chuyên trách tổng hợp, bổ sung và trình Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tối cao cân nhắc, quyết định các phương án thể hiện trong dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo luật, cho rằng dự thảo là kết tinh trí tuệ của tập thể lãnh đạo, thẩm phán, công chức tòa án các cấp trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý thiết thực của các cá nhân, tổ chức và thực tiễn tổng kết hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 150 điều, trong đó, giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 90 điều; xây dựng mới 51 điều. Dự thảo được thiết kế thành 9 chương.
LÊ HÙNG