Chính trị - Xã hội
Người có uy tín 'nói đi đôi với làm'
Nhiều năm qua, người có uy tín trong cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang đã tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từng bước khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào dân tộc, tích cực tham gia phát triển kinh tế, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Triển khai Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, 5 năm qua, thành phố làm tốt công tác bình chọn người có uy tín. Hiện thành phố có 4 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại 4 thôn của huyện Hòa Vang, gồm: Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Phú Túc (xã Hòa Phú) và Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh). Những người có uy tín đã phát huy, khẳng định là lực lượng nòng cốt vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Anh Đinh Văn Hin, 37 tuổi, Trưởng thôn Tà Lang, là người trẻ tuổi nhất được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín trong cộng đồng. Với anh, đó là vinh dự và trách nhiệm to lớn để đóng góp cho sự phát triển của địa phương. “Để đồng bào tin tưởng, noi theo, mình nói phải đi đôi với làm, phải là người tiên phong thực hiện thì người dân mới thấy mà làm theo”, anh Hin chia sẻ. Anh từng là dân quân thường trực, rồi làm công an viên xã, giờ là Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang, tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ khoảng 10.000ha rừng, có kinh nghiệm trong gần 10 năm gắn bó với công tác vận động, tuyên truyền giúp anh thấu hiểu và nói sao để bà con tin.
Thôn Tà Lang hiện có 121 hộ dân với 379 nhân khẩu, trong đó có 30 hộ nghèo. Nhiều thanh niên trong thôn phải đi xa để mưu sinh, làm việc cho các khu công nghiệp. Người dân địa phương chủ yếu làm rừng nên công tác tiếp cận, vận động gặp nhiều khó khăn. Anh Hin đến từng nhà, tranh thủ những buổi họp dân, kết hợp tuyên truyền trên các nhóm mạng xã hội của thôn để mọi người nắm bắt. Anh vận động 86 hộ dân của thôn Tà Lang tham gia dịch vụ môi trường rừng, quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng Bà Nà - núi Chúa. Các hộ tham gia phải ký cam kết tham gia bảo vệ rừng khi mở lối khai thác keo và được hỗ trợ 28 triệu đồng/hộ/năm.
Qua 8 năm kiên trì vận động, người dân đã nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, không còn tình trạng khai thác gỗ trái phép, phát rẫy trồng keo tự phát. Anh Hin còn vận động người dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, khi mỗi hộ được cấp 3-4ha đất trồng keo, xem đó là khoản tiết kiệm trong 5 năm. Đối với thanh niên trẻ của thôn, khi chính quyền xã tạo điều kiện, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, anh vận động các em tham gia xuất khẩu lao động ngắn hạn từ 3-6 tháng để tăng thu nhập cho gia đình.
Là người có uy tín trong cộng đồng người Hoa ở thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh) ở nhiệm kỳ thứ 2, ông Lý Khang còn có gần 20 năm làm trưởng thôn. Ông cho biết, hằng năm Ban Tôn giáo thành phố đều có kế hoạch tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở những vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Ông học được nhiều mô hình phát triển kinh tế rất hay nhưng điều kiện đất đai ít nên không thể triển khai cho người dân địa phương.
Lưu giữ truyền thống văn hóa
Hiện nay ông Lê Văn Nghĩa, người có uy tín của thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) là người Cơ tu duy nhất ở Hòa Vang còn giữ được nghề nấu rượu cần truyền thống bằng các loại men lá. Gần 10 năm làm nghề, ông vẫn mong chia sẻ kinh nghiệm, công thức nấu rượu cần đến toàn thể bà con để phát triển thành một làng nghề truyền thống, vừa tạo việc làm cho bà con, vừa khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ tu.
Bên cạnh những người đồng bào có uy tín, chị Hồ Thị Thanh Tỏa, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tà Lang là lực lượng nòng cốt, cốt cán, đã đóng góp tích cực trong công tác vận động bà con Cơ tu giữ gìn văn hóa dân tộc. Hơn 3 năm qua, chị Tỏa cùng các chị em trong thôn tham gia đội múa, thường xuyên trình diễn điệu múa truyền thống Tung tung da dá. “Tôi vận động chị em cùng tham gia đội múa. Thanh, thiếu niên của thôn cũng thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt, học múa. Ngày xưa, điệu múa chỉ có điệu dâng lên thần, hiện nay được cải tiến thêm để điệu múa phản ánh đầy đủ đời sống người dân từ khâu phát rừng, tỉa bắp, thu hoạch lúa, giã gạo, nấu cơm rồi mới dâng lên thần”, chị Tỏa chia sẻ.
Bên cạnh đó, chị tích cực hoàn thành tốt công tác xã hội, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, khi thành phố thực hiện chủ trương quy hoạch, xã Hòa Bắc luôn là đơn vị đi đầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền giúp người dân ở đây thấu hiểu và tuân thủ đúng theo pháp luật, chấp hành tốt việc giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhiều người dân còn tình nguyện trong công tác hiến đất, mở đường, làm đường giao thông nông thôn.
Để kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho người có uy tín không ngừng phát huy vị trí, vai trò của mình, các chính sách đối với người có uy tín đã được các cấp chính quyền thành phố quan tâm thực hiện tốt như: thăm hỏi, động viên người uy tín nhân dịp lễ, Tết, lúc đau ốm hoặc có người thân đau ốm, ma chay, hiếu hỷ; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng - an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng tại địa phương. Hằng năm, người có uy tín được đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài thành phố…, kịp thời nhận được nguồn động viên khích lệ để có thể phát huy vai trò tích cực trên các lĩnh vực, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
HOÀNG NHUNG - XUÂN HẬU