Đà Nẵng cuối tuần

Những người quản trang thầm lặng

05:42, 23/07/2023 (GMT+7)

Nhìn những bông hoa đang rung rinh khoe sắc dưới những hàng mộ xếp hàng thẳng tắp, chúng tôi thầm cảm ơn những người quản trang thầm lặng. Gần 15 năm qua, bằng những tình cảm và sự tri ân đồng đội, họ vẫn ngày ngày lặng lẽ không quản ngại vất vả khó khăn chăm sóc giấc ngủ cho hàng ngàn anh hùng liệt sĩ yên nghỉ nơi đây.  

Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) rợp bóng cây xanh. Ảnh: Đ.H.L
Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) rợp bóng cây xanh. Ảnh: Đ.H.L

Cái nắng tháng bảy như thiêu đốt khiến cho vết thương cũ của người thương binh già thêm đau nhức và đi lại khó khăn hơn. Ông Hồ Sỹ Lượng (72 tuổi) hẹn tiếp chuyện tôi sau 10 giờ khi vừa châm cứu xong. Mới bước chân vào nhà, ông rủ tôi qua Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) ngồi chuyện trò cho mát.

Tôi bước theo đôi chân nặng nề như thể vừa mới trải qua một cơn tai biến của ông. Ấy vậy mà sáng nào ông cũng thức dậy từ 3 giờ 30 để tưới cây trong Nghĩa trang. Nhờ đôi tay cần cù và chịu khó của ông đã góp phần làm thay đổi cảnh sắc nơi đây,  từ một Nghĩa trang nằm trên đồi đất cát pha nắng rát, nay trở thành một địa chỉ đỏ xanh mát được nhiều bạn trẻ đến thăm viếng, chụp ảnh và làm các đoạn phim ngắn hoạt động về nguồn.

Tạo bóng mát cho Nghĩa trang

Để có được màu xanh mát mắt này, mấy ai biết rằng, hơn 15 năm qua, ông Lượng không quản ngày đêm tìm tòi các loại cây về đây ươm trồng. Quệt mồ hôi trên vầng trán nhăn nheo, ông bồi hồi nhớ lại: “Vào năm 1968, chú thoát ly gia đình đi bộ đội khi mới tròn 17 tuổi. Sau giải phóng, chú chuyển ngành về đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau rồi nghỉ hưu. May mắn là chú mua được mảnh đất làm nhà ngay cạnh nghĩa trang nên rất thuận tiện để ngày ngày nhang khói cho các anh hùng liệt sĩ nơi đây, trong đó có cả anh em bà con và đồng đội mình”.

Rồi ông kể tiếp: “Khi còn làm chủ tịch hội cựu chiến binh (CCB) phường và bí thư khu dân cư, chú thấy nhiều người dân thiếu ý thức bỏ rác hai bên cổng chính Nghĩa trang, thế là chú đề xuất với cấp trên cho hội đăng ký cai quản môi trường khu vực này. Để Nghĩa trang xanh sạch đẹp, chú triển khai họp Hội CCB phường, phát động mỗi chi hội nộp một cặp cây cảnh vào ngày 27-7 hằng năm. Hội có tất cả 16 chi hội thì có 32 cây cảnh. Từ đó, nhiều cây xanh bắt đầu được ươm trồng tại Nghĩa trang liệt sĩ”.

Từ khi nghỉ làm Chủ tịch Hội CCB phường, ông Lượng lại có thêm nhiều thời gian để chăm sóc cây. Hễ đi đâu thấy có cây đẹp và lạ mắt là ông xin về trồng. Cứ 3, 4 giờ sáng, ông lại qua Nghĩa trang tưới cây, tỉa cành đến 8 giờ mới xong việc, rồi chiều 5 giờ lại qua nhổ cây, dọn cỏ. Có hôm đến Nghĩa trang sớm, trời tờ mờ chưa nhìn rõ mặt đường, ông Lượng hốt hoảng la lên “ai đấy?” khi giẫm phải một thanh niên đang nằm trong Nghĩa trang. Anh ta lồm cồm ngồi dậy bảo: “Con vô đây nằm với ba một đêm”. Thì ra, chàng thanh niên đó có ba là liệt sĩ được quy tập ở đây, nhớ ba nên lẻn vào đây nằm ngủ bên mộ. Cũng có hôm, ông Lượng vào thấy hiện tượng lạ khi chân hương trên tượng đài bị vung vãi khắp Nghĩa trang. Đêm đó, ông ngủ lại Nghĩa trang để kiểm tra thì phát hiện lũ dơi đã quắp chân hương bay lên rồi rải ra. Thấy vậy, ông mới yên tâm ra về.

Sau 15 năm chăm sóc, giờ đây, nghĩa trang liệt sĩ Hòa Quý đã có vô số các loại hoa nở quanh năm như hoa giấy, sứ, mai chiếu thủy, mẫu đơn, bát tiên, mai vàng… Ông Lượng còn nhớ, vào dịp kỷ niệm 47 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông đặt chỉ tiêu phấn đấu đến khi kỷ niệm 60 năm thì Nghĩa trang phải có ít nhất 60 chậu hoa, cây cảnh.

Tuy nhiên, đến nay Nghĩa trang đã có hơn 100 chậu hoa, cây cảnh. Vừa đi vừa chuyện trò, ông dẫn tôi đến bên tượng đài chỉ tay vào mấy chậu hoa mới mua về khoe: “Đây là hai cặp cây bàng Nhật và cây bông giấy Mỹ có hoa như mâm xôi rất đẹp. Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), Hội Tù yêu nước quyết định mua mấy cặp hoa giá trị này để trang trí hai bên tượng đài giúp cho quang cảnh nơi đây thêm đẹp và trang trọng”.

Giữ yên giấc ngủ cho các anh

So với nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Quý, Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) có khuôn viên khá rộng, kéo dài từ trong tường rào Nghĩa trang ra tới tận đường ĐT605. Có lẽ vậy mà công việc quản trang của ông Phạm Viết Tình có phần vất vả hơn.

Khi chúng tôi đến đây, ông Tình đang đầm đìa mồ hôi đứng giãy cỏ giữa nắng gắt. Ông cho biết, khu vực này chủ yếu là đất cát pha nên cỏ dại mọc rất nhanh, nếu không cắt dọn thường xuyên thì chẳng mấy chốc nơi đây trở thành bãi cỏ hoang. Cũng như ông Hồ Sỹ Lượng, ông Tình làm công việc quản trang này đến nay đã hơn 14 năm.

“Chú thoát ly gia đình đi bộ đội từ năm 16, 17 tuổi, đóng quân ở Khe Dâu. Hồi đó bị thương may mà thoát chết, chứ không thì giờ này cũng có thể nằm ở đây hoặc ở một nơi khác. Mình may mắn hơn các liệt sĩ là còn được sống và hưởng tự do hòa bình. Do đó, chú tâm niệm rằng, cứ cố gắng làm được gì cho các đồng đội thì làm, không đòi hỏi gì hơn”, ông Tình bộc bạch.

Nhà cách nghĩa trang hơn 1 cây số, hằng ngày ông Tình đều đặn đến đây từ sáng sớm; hết tưới cây, tỉa cành, ông lại chuyển sang quét dọn, lau chùi mộ, thay cát mới cho ly hương. Để khuôn viên Nghĩa trang trở nên xanh hơn, ông Tình thường xuyên sưu tầm nhiều loại cây cảnh đẹp, có giá trị về trồng như mai, quất, tùng, dúi… “Ở đây chủ yếu là đất cát nên không tưới là cây chết khô liền. Kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, ngày nào, chú cũng thức dậy từ 4 giờ để tưới nước đến 8 giờ mới xong hết các cây ở đây. Hồi xưa khuôn viên nghĩa trang trơ trọi không một bóng cây thì nay được phủ một màu xanh tươi mát.

Ngoài những cây to do chính quyền xã trồng, các loại cây cảnh còn lại là chú tự sưu tầm về trồng”, ông Tình nheo mắt chỉ ra hướng bóng cây râm mát kể. Để cây luôn được xanh tươi, ông Tình tự mua phân bón cho cây bởi đất nơi đây cằn cỗi, nếu không bón phân thường xuyên thì cây sẽ bị còi cọc và chết. Đặc biệt, trước đây khi một phần khuôn viên trước Nghĩa trang chưa bàn giao cho đơn vị quản lý cây xanh đô thị chăm sóc thì ông Tình vẫn một mình cắt tỉa, quét dọn khu vực rộng lớn này mà không nề hà gì.

Hiện nay, Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến có 1.167 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có 290 ngôi mộ chưa biết tên. Mới đây, nghĩa trang quy tập thêm 6 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên ở Cẩm Nê. Bên cạnh công việc dọn dẹp vệ sinh nghĩa trang, ông Tình còn nhiệt tình hỗ trợ các gia đình làm mâm cỗ cúng khi có các liệt sĩ vừa mới được quy tập vào nghĩa trang.

Tuổi cao, sức yếu lại là thương binh, nhưng khi được hỏi “gia đình chú có ủng hộ chú làm công việc này không?”, ông Tình vui vẻ: “Những lúc mệt, vợ chú cũng vào đây phụ giúp chú quét dọn, tỉa cành. Vợ chú cũng thoát ly kháng chiến. Nếu ngày xưa bà hy sinh thì giờ cũng nằm ở đây chứ mô?”.

Ở nghĩa trang liệt sĩ Hòa Phong (huyện Hòa Vang) có ông Nguyễn Văn Thái (56 tuổi) vẫn đều đặn hằng ngày vào quét dọn, tưới nước, cắt tỉa cây, bật tắt đèn… hơn 15 năm qua. Tuy chưa từng ra trận cầm súng chiến đấu như ông Hồ Sỹ Lượng, ông Phạm Viết Tình nhưng ông Thái luôn tâm niệm rằng: “Nơi đây có khoảng 1.000 liệt sĩ yên nghỉ.

Công việc mang lại thu nhập không bao nhiêu nhưng tôi vẫn tận tâm gắn bó mỗi ngày bởi các anh đã ngã xuống cho chúng ta có nền độc lập như ngày hôm nay. Giờ mình đóng góp được gì thì làm thôi”. Một ngày như mọi ngày, tiếng nước tưới cây, tiếng chổi quét lá lại vang lên xào xạc bắt đầu một ngày mới từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời lên cao quá đỉnh tượng đài. Công việc thầm lặng của những quản trang đã mang lại hơi ấm giấc ngủ ngàn thu cho hàng ngàn anh hùng liệt sĩ nơi đây.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.