Chính trị - Xã hội

Sửa Luật Công đoàn theo hướng thu hút người lao động tham gia

14:26, 25/07/2023 (GMT+7)

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của Công đoàn Việt Nam, khẳng định Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Phù hợp với thực tế

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, qua 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn 2012 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc. Thứ nhất, bất cập trong quy định về hệ thống tổ chức, bộ máy và quản lý cán bộ công đoàn, như cơ chế giao chỉ tiêu biên chế chưa phù hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống và yêu cầu thực tiễn; chưa hợp lý về cơ chế tuyển dụng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách; bộ máy chưa phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Công nhân, người lao động trong một buổi đối thoại với cấp chính quyền Hà Nội.
Công nhân, người lao động trong một buổi đối thoại với cấp chính quyền Hà Nội.

Thứ hai, quy định về tài chính công đoàn và công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn còn nhiều hạn chế; chưa phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Thứ ba,một số quy định của Luật Công đoàn chưa đảm bảo tính tương thích với các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019.

Trên cơ sở đánh giá, tổng hợp và phân tích kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, dự án Luật Công đoàn sửa đổi cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, cũng như các vấn đề mới phát sinh mà Luật Công đoàn 2012 chưa điều chỉnh.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Công đoàn cũng nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn; tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động cho tổ chức Công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cần được quyền chủ động trong bố trí, điều động cán bộ chuyên trách

Từ hoạt động công đoàn cơ sở, bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Luật Công đoàn cần bảo đảm về công tác tổ chức cán bộ, bởi đây là vấn đề quan trọng, quyết định các hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đó là cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức là Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Luật Công đoàn sửa đổi được cán bộ cơ sở góp ý để phù hợp với thực tiễn.
Luật Công đoàn sửa đổi được cán bộ cơ sở góp ý để phù hợp với thực tiễn.

Bà Hà đề xuất: Tổng LĐLĐ Việt Nam nên quản lý cả về quỹ lương, cả về công tác tổ chức của cả hệ thống Công đoàn. Lý giải thêm về điều này, bà Hà cho rằng, việc này sẽ thuận lợi khi trường hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam muốn đưa cán bộ nguồn luân chuyển đi cơ sở; cũng như Công đoàn cấp tỉnh cũng sẽ thuận lợi trong việc luân chuyển cán bộ Công đoàn từ tỉnh xuống huyện và ngược lại.

"Việc quản lý trực tiếp và xuyên suốt về công tác cán bộ cũng sẽ thuận lợi hơn cho tổ chức Công đoàn trong việc tổ chức thi tuyển công chức. Bởi khi Tổng LĐLĐ Việt Nam quản lý toàn diện việc này, sẽ biết được địa phương nào, ngành nào đang thiếu cán bộ, cần bổ sung cán bộ Công đoàn chuyên trách cho mảng hoạt động nào, từ đó sẽ tổ chức thi tuyển sát hơn với nhu cầu, thay vì tổ chức thi tuyển chung chung cho khối Đảng, đoàn thể như hiện nay ở các địa phương vẫn thực hiện", bà Hà phân tích.

Đồng thuận với góp ý trên, ông Nguyễn Tấn Sơn, Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc bảo đảm cho các hoạt động của Công đoàn nằm ở công tác cán bộ, do đó cần có quy định tổ chức Công đoàn được quyền chủ động quyết định bố trí số lượng cán bộ chuyên trách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức trong tình hình mới.

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Trường Sơn, Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đề nghị, cần quy định rõ hơn về cán bộ Công đoàn chuyên trách, từ đó có cơ chế đặc thù, linh hoạt để tăng tính chủ động cho tổ chức Công đoàn trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ Công đoàn chuyên trách trong điều kiện số lượng Công đoàn cơ sở, đoàn viên mỗi năm đều tăng nhanh, trong khi đó việc tuyển dụng cán bộ Công đoàn chuyên trách thông qua thi tuyển hằng năm rất hạn chế.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Việc xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của Công đoàn Việt Nam, khẳng định công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong tiến trình đổi mới đất nước.

Trong quá trình triển khai thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập 3 đoàn khảo sát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Luật Công đoàn tại 13 tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương; đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Tổ chức Công đoàn đề nghị sửa đổi bổ sung 3 chính sách trong xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Các điểm đáng lưu ý là mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của Công đoàn theo hướng: “Tham gia, phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; thực hiện quyền giám sát”. Đồng thời, làm rõ đối tượng cán bộ công đoàn chuyên trách, từ khâu tuyển dụng đến chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đây là tiền đề để đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động, từ đó thu hút đông đảo người lao động tham gia Công đoàn Việt Nam.

Theo Baotintuc.vn

.