Chính trị - Xã hội
Bài 2: Cần chủ động xây dựng cơ chế tài chính, ngân sách
Do cơ chế dự toán ngân sách của chính quyền quận, phường khi không tổ chức HĐND quận, phường dẫn đến một số bị động, lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương mang tính phát sinh đột xuất ở thời điểm ban đầu. Qua khảo sát, một số địa phương đề nghị cần xây dựng cơ chế chủ động trong công tác quản lý tài chính, ngân sách để quận, phường chủ động giải quyết các nhiệm vụ đột xuất ngoài dự toán.
Đoàn giám sát của HĐND thành phố làm việc với quận Ngũ Hành Sơn về kết quả triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Ảnh: TRỌNG HUY |
Còn khó khăn, vướng mắc
Đầu năm 2023, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), sau thành công của giải đua thuyền nội bộ của phường năm 2022, được UBND thành phố chấp thuận chủ trương tổ chức giải đua thuyền phường Nại Hiên Đông năm 2023 với sự mở rộng từ các phường thuộc thành phố và tỉnh Quảng Nam. Theo dự toán kinh phí, ước khoảng 300 triệu đồng.
Quá trình tổ chức, kinh phí thực tế khoảng hơn 200 triệu đồng, phường vận động xã hội hóa khoảng 130 triệu đồng. Còn lại, phường đề xuất, tổng hợp và trình xin thành phố phê duyệt cấp kinh phí để tổ chức, khoảng 100 triệu đồng. “Dù giải kết thúc thành công từ hồi tháng 3. Nhưng đến nay, việc đề xuất của phường lên thành phố hỗ trợ kinh phí không biết chắc có được xét duyệt, thông qua hay không”, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Cao Đình Hải băn khoăn.
Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) Võ Lê Anh dẫn chứng, theo phân cấp, các tuyến đường từ 10,5m trở lên thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý, các tuyến đường nhỏ hơn do cấp quận quản lý. Do đó, khi một tấm đanh, một cái khung lưới chắn rác thải tại các cống thu nước của các loại đường này bị hỏng, gây nguy cơ tai nạn, ô nhiễm môi trường do mùi hôi từ các lỗ thu này bốc ra ảnh hưởng người dân sống lân cận và cả mất mỹ quan đô thị, phường có muốn dùng kinh phí để xử lý, thay thế các tấm đanh, tấm lưới này cũng không được (không nằm trong danh mục dự toán chi).
Để xử lý, phường phải lập hồ sơ, tổng hợp đề xuất lên quận, lên Sở Giao thông vận tải và chờ. “Mấy vụ việc này rất nhỏ, không đáng để đề xuất lên cấp thành phố hay quận. Nếu đủ thẩm quyền thì phân cấp cho phường để chủ động xử lý nhanh, dứt điểm. Với việc đề xuất như hiện nay, rất mất thời gian chờ được xét duyệt hoặc có tổ xử lý đến giải quyết. Trong khi, phường vẫn phải cắt cử người, hoặc có giải pháp cảnh báo, che tạm thời tránh nguy cơ xảy ra sự cố”, ông Anh nói.
Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Đinh Hữu Phúc cho rằng, với việc tăng từ 4% lên 6% tỷ lệ chi khác, Nghị quyết số 66/2022/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 của HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều không quy định cụ thể cấp có thẩm quyền là cấp nào và theo quy định là quy định gì. Ông Phúc dẫn giải, phường thực hiện chi cải tạo, nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng (đã nằm trong dự toán chi), tuy có sẵn tiền (từ nguồn chi khác), nhưng vẫn phải chờ chủ trương cụ thể của cấp trên mới được triển khai, đã làm chậm quá trình giải quyết các yêu cầu nhiệm vụ cần giải quyết nhanh chóng. Chưa kể, các nhiệm vụ này trong khả năng xử lý của phường.
Báo cáo của UBND quận Ngũ Hành Sơn tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND thành phố về triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn quận ngày 26-5 cho rằng, trong quá trình triển khai về lĩnh vực tài chính, ngân sách, đầu tư phát sinh khó khăn vướng mắc nhất định. Theo đó, đối với chi thường xuyên, căn cứ phân bổ theo chỉ tiêu dân số, đối với quận sẽ không bảo đảm các nhiệm vụ chi vì dân số trên địa bàn quận rất thấp (mà có đến 5 nhiệm vụ chi phân bổ theo chỉ tiêu dân số đó là quốc phòng, an ninh, văn hóa thông tin, sự nghiệp thể thao và bảo đảm an sinh xã hội.
Các nhiệm vụ chi khác như sự nghiệp môi trường (phân bổ theo tỷ lệ % tổng chi thường xuyên), sự nghiệp kinh tế (phân bổ theo tỷ lệ % chi thường xuyên); chi khác (phân bổ theo tỷ lệ % chi thường xuyên) cũng rất thấp vì các nhiệm vụ tính theo dân số thấp dẫn đến tổng chi thường xuyên thấp. Trong khi đó, dù dân số thấp thì việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội… vẫn phải tổ chức triển khai bình thường. Vì vậy, sẽ rất khó khăn cho quận trong việc thực hiện các nhiệm vụ khi không còn nguồn thu để cân đối, bổ sung cho các nhiệm vụ chi. Đây là khó khăn riêng có của quận Ngũ Hành Sơn khi thí điểm chính quyền đô thị.
Một khó khăn chung cho các địa phương, đó là tình hình bổ sung dự toán hiện nay. Những nhiệm vụ được UBND thành phố giao UBND quận, phường thực hiện phát sinh ngoài dự toán được giao đầu năm, thời gian trình để bổ sung kinh phí kéo dài, qua nhiều cơ quan nên không bảo đảm kinh phí kịp thời để hoàn thành nhiệm vụ.
Điều này được Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Lương Công Tuấn xác nhận. Ông Tuấn cho rằng, khi thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, quận và phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách, dự phòng ngân sách, thậm chí quỹ thi đua khen thưởng cũng không còn. Trong khi đó, bao nhiêu việc phát sinh, đột xuất ở cơ sở, mà cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định hiện nay không thể kịp thời (nếu cấp phường bổ sung dự toán phải qua khoảng 6 đầu mối).
Chưa có quy định pháp luật cụ thể
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hồ Ngọc Phương nhìn nhận, việc triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính, ngân sách trên địa bàn thành phố khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đạt được một số kết quả nhất định. Các khoản thu trên địa bàn quận, phường được chuyển về ngân sách thành phố quản lý, tập trung được nguồn lực lớn cho ngân sách thành phố. Các khoản chi tiêu được thực hiện bảo đảm đúng định mức, chế độ, tiết kiệm trong sử dụng ngân sách (như tiết kiệm các khoản chi hoạt động đối với HĐND quận/phường; hạn chế việc chi ngân sách không đúng quy định…) và sử dụng có hiệu quả các nguồn thu.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thí điểm cũng phát sinh nhiều khó khăn. Cụ thể, chưa có quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước cho thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nên còn lúng túng. UBND các quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, kết dư như một cấp ngân sách. Điều đó đã hạn chế tính chủ động trong việc cân đối thêm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Việc bố trí quỹ thi đua khen thưởng cho các quận, phường là đơn vị dự toán không có quy định. UBND quận không được chi ngân sách bằng lệnh chi tiền cho quận ủy như một cấp ngân sách.
Toàn bộ các khoản thu ngân sách quận, phường được chuyển toàn bộ về ngân sách thành phố quản lý. Việc này khó tạo động lực để các quận, phường phấn đấu thực hiện quản lý thu, tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, khó khăn trong việc xem xét hỗ trợ số tăng thu ngân sách cho địa phương (nếu có) theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước. Hiện nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn về mã Chương cho UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách để thực hiện.
Theo kết quả khảo sát (do Sở Nội vụ phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng thực hiện), 73,5% CBCCVC quận và 60% CBCC phường nhận xét công tác quản lý tài chính ngân sách quận, phường khi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đơn vị dự toán không còn là một cấp ngân sách là chưa hợp lý, chưa hiệu quả và đa phần CBCCVC quận và phường chọn nên thực hiện là một cấp ngân sách với tỷ lệ lần lượt là 98% và 87,1% nếu tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn cho biết, cùng với khó khăn khi thực hiện cơ chế quản lý tài chính, việc thực hiện chế độ công vụ mới chỉ thực hiện đối với công chức làm việc tại UBND phường. Các chức danh cán bộ phường (bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội phường) chưa có quy định liên thông như công chức làm việc tại UBND phường, vẫn thực hiện theo quy định về cán bộ cấp xã tại Luật Cán bộ, công chức và các nghị định hướng dẫn thi hành nên chưa tạo sự thống nhất trong hoạt động công vụ tại các phường. |
TRỌNG HUY