BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đẩy mạnh quản lý không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

11:18, 07/12/2023 (GMT+7)

ĐNO - Việc thực hiện số Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số là: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin.

Điều này đặt ra những yêu cầu cho các cấp ủy Đảng của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng ngoài chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông (Thông tư 11/2022/TT-BTTTT ngày 29-7-2022), việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU triển khai hiệu quả Hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội (MXH); xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng nhằm tạo lập niềm tin, hình thành văn hóa số không những bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác lại các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng mà là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay.

Do đó, đối với các đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông khi thực hiện chức trách của mình cần đảm bảo một số yêu cầu quan trọng sau đây:

Thứ nhất, cần phát hiện sớm thông tin xấu độc, nhận diện đúng và đầy đủ các luận điệu chống phá Đảng và nhà nước của các thế lực thù địch

Có thể nhận thấy rằng trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch chủ yếu tập trung vào các nội dung cơ bản sau:

Một là, tìm mọi cách để xuyên tạc chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước trên một số lĩnh vực chủ yếu như: Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin; Chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; tự do tôn giáo ở Việt Nam; quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam; …

Hai là, phủ nhận cuộc đời, sự nghiệp công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đe dọa an ninh quốc gia thông qua việc thổi phồng các hiện tượng tiêu cực, lợi dụng một số việc đơn lẻ để quy kết về bản chất của vấn đề.

 Ba là, “Bôi đen”“Tô hồng”, thông qua việc xuyên tạc những hạn chế yếu kém để “bôi đen”, phủ nhận các thành tựu của cách mạng Việt Nam, cùng với đó là việc “Tô hồng”, quảng bá, khuếch trương những thành tựu của tư tưởng cực đoan, bạo lực.

Thứ hai, đấu tranh ngăn chặn, bóc gỡ thông tin sai sực thật, phản bác lại các luận điệu chống phá thông qua việc thực thi pháp luật, ứng dụng công nghệ để “don rác”, “đập tan” các quan điểm, luận điệu sai trái.

Đối với vị trí chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở về quản lý thông tin và truyền thông.

- Một là, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân nâng cao trình độ nhận thức pháp luật về sử dụng MXH.

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2018, bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2019 và các quy định pháp luật về sử dụng MXH như: Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Thông tư số 09/2014/TT - BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và MXH; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022 của Chính phủ.

Luật An ninh mạng gồm các quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghiêm cấm các hành vi gây mất an ninh mạng. Điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia các hoạt động trên môi trường không gian mạng.

Điều đáng tiếc là các quy định pháp luật về sử dụng MXH nêu trên đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến. Người dân khi tham gia MXH mà chưa biết đến, chưa nắm vững hoặc chưa thấu hiểu các quy định pháp luật thì sẻ có những hành vi sai lệch là điều khó tránh khỏi.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng có thể áp dụng giải pháp phát huy vai trò tiên phong của gần 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng với 13.000 thành viên, trong đó Đoàn thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sống tại địa phương làm nóng cốt để tuyên truyền thay đổi nhận thưc, nâng cao kỹ năng sử dụng MXH an toàn, phổ biến pháp luật về sử dụng Internet, MXH đến với mọi tầng lớp nhân dân là cấp thiết.

Trang bị kiến thức, đào tạo cho người dân phải thực hiện có lộ trình, thường xuyên, liên tục để dần hình thành thói quen sử dụng MXH an toàn. Khi nhận thức của người dân được nâng cao sẽ hạn chế được những hành vi tiêu cực khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.

- Hai là, chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời, đầy đủ lên các phương tiện truyền thông truyền thống và trên môi trường không gian mạng.

Cung cấp thông tin chính thống kịp thời trên đa kênh truyền thông sớm định hướng luồng dư luận nhận diện đúng bản chất vấn đề là một trong những biện pháp để phản bác những thông tin xuyên tạc sai sự thật do các thế lực thù địch ngụy tạo ra.

Thực tế, một bộ phận người dân nghe theo những lời xúi giục trên MXH dẫn đến những hành vi tán đồng và chia sẻ những thông tin sai sự thật hay tham gia tụ tập gây bạo loạn là do hệ thống truyền thông chính thống còn chậm trể trong việc cung cấp đầy đủ thông tin xác thực cho công chúng.

Đối với việc cung cấp thông tin trên không gian mạng, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng chỉ đạo truyền thông qua các kênh Tổng đài 1022, trang Fanpage Tổng đài 1022, Danang Smart City, Zalo 1022.

Đây là các kênh truyền thông trên không gian mạng để chuyển tải các chủ trương chính sách, các quy định, thủ tục hành chính, thông tin kinh tế-xã hội... của thành phố đến với người dân, tạo nên sự kết nối trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân với phương châm “thông tin chính xác, kịp thời”.

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các đài truyền thanh, truyền hình địa phương và hệ thống truyền thanh cơ sở để phố biến thông tin chính thống, kịp thời đến người dân trên địa bàn thành phố.

Vì vậy, việc thường xuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên các phương tiện truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm loại bỏ mưu đồ lợi dụng MXH để kích động bạo loạn lật đổ, tạo diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch nhất là trong thời kỳ đất nước đang đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số..

- Ba là, ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin xây dựng các công cụ lọc và phát hiện tin giả, tin sai sự thật, để kịp thời phòng ngừa, cảnh báo ngay từ đầu, chủ động ngăn chặn sự lan truyền và cảnh báo sớm tin giả ngay khi nó xuất hiện trên mạng xã hội.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-8-2022, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia lửa cùng Bộ trưởng Công an trả lời 4 vấn đề liên quan đến an toàn thông tin mạng, thông tin xấu độc, sim rác, công tác truyền thông.

Bộ trưởng cho hay, trước 2018 chỉ bóc 5.000 tin, video thông tin sai sự thật thì đến nay con số này tăng 20 lần, bóc gỡ gần 100.000 tin, video.

Về giám sát không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm các thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin lên 300 triệu tin một ngày.

Ngoài ra, từ năm 2021, Bộ thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận phản ánh của người dân, các tổ chức về tin giả để xử lý.

“Việc bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng cũng như dọn rác trên không gian mạng, là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành địa phương và mọi người dân”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Điều này cho thấy ngoài việc sử dụng các công nghệ, công cụ để phát hiện sớm, bóc gỡ thông tin sai sự thật, don rác trên không gian mạng thì Lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông còn nhận định việc giám sát không gian mạng là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành địa phương và mọi người dân.

Tại thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai “Hệ thống giám sát tập trung Mini IOC”, dịch vụ giám sát thông tin mạng xã hội là một trong sáu dịch vụ đô thị thông minh được đưa vào sử dụng để giám sát không gian mạng trên địa bàn thành phố.

Việc giám sát này đã góp phần ngăn chặn được các thông tin sai lệch, nói xấu, bôi nhọ danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo thành phố trong thời gian qua.

- Bốn là, tuyên truyền sâu rộng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Ngày 17 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số: 874 /QĐ-BTTTT về bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây là bộ quy chuẩn buộc mọi cá nhân và tổ chức sử dụng MXH trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ.

Thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đàm phán, đấu tranh yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook và gần đây là Tiktok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Cùng với yêu cầu Google, Facebook, Tiktok ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc để góp phần “làm sạch” môi trường mạng, cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ tăng cường đàm phán, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok trong việc bảo vệ người dùng và chăm sóc khách hàng tại Việt Nam; chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định về quảng cáo trực tuyến và vi phạm bản quyền báo chí. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả quản lý an ninh mạng nhanh và ổn định lâu dài.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên mạng xã hội, dịch vụ internet, thuê bao di động.

Tại thành phố Đà Nẵng, đến nay 100% hộ gia đình đã kết nối internet cáp quang băng rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng 100% khu vực dân cư trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/ 100 dân; điện thoại thông minh 105 máy/100 dân; trung bình gần 2 tải khoản mạng xã hội /1 người dân.

 Với tỷ lệ sử dụng cao như trên thì khả năng tương tác với các mạng xã hội càng lớn, việc chia sẽ các thông tin trái với quy định của pháp luật, mưu đồ chống lại Đảng và Nhà nước có thể thực hiện được dễ dàng hơn.

Do vậy, cần xây dựng kế hoạch để tăng cường điều tra, thu thập, phát hiện, xử lý thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, như hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên MXH.

Thực tế qua công tác thanh kiểm tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức 7,5 triệu đồng đối với một nhà báo L.D.T đăng tải bài viết trên Facebook ngày 24/7/2022 với tiêu đề: Đà Nẵng đề xuất mở "phố đèn đỏ" để kích cầu du lịch, kèm hình ảnh nhạy cảm.

Thông tin này đã làm dư luận xôn xao về chủ trương, định hướng phát triển du lịch của Đảng bộ, chính quyền thành phố, ảnh hưởng đến hình ảnh Đà Nẵng - một điểm đến thân thiện, an toàn, mến khách trong lòng du khách và bạn bè.

Bài viết của nhà báo L.D.T có những nội dung sai sự thật, hình ảnh đăng tải nhạy cảm không kiểm chứng, làm người đọc hiểu sai vấn đề, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của thành phố đối với sự phát triển du lịch.

Ngoài những giải pháp đề xuất nêu trên thì biện pháp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai sự thật, tin vô căn cứ trên MXH nhằm răn đe các đối tượng có tư tưởng cực đoan, phản động sẻ góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền.

Thứ ba, chấp hành nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức công vụ, nâng cao vai trò “gương mẫu” của người cán bộ công chức, viên chức trong không gian công sở, không gian ngoài công sở như tại gia đình, nơi cư trú, nơi công cộng và cả trên không gian mạng xã hội.

Theo các quy định hiện hành, mạng xã hội lại chưa được coi là một “không gian công cộng”. Hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, TiKTok … đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta và có nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Tính chất công cộng của các MXH thể hiện ở chỗ các nội dung đăng tải có thể tạo ra các nhóm công chúng khác nhau, xuất hiện công khai bất kỳ lúc nào, nhiều người có thể tiếp cận, bình luận, chia sẻ…

Từ thực trạng, yêu cầu công việc hàng ngày tại các cơ quan, đơn vị hay các tổ chức chính trị-xã hội cụ thể, ngoài việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành, chính thống để tác nghiệp trao đổi thông tin, dữ liệu trong nội cơ quan, đơn vị mình thì việc giao tiếp với các cá nhân, tổ chức khác thường được thực hiện với nhiều phương thức, ứng dụng khác nhau.

Phổ biến nhất là hình thành các nhóm trên các MXH để trao đổi thông tin, dữ liệu tác nghiệp. Ở phạm vi rộng hơn sẻ hình thành các “nhóm xã hội” điển hình các nhóm/hội trên Zalo, các Fanpage trên Facebook, các kênh Youtube Official, Kênh TikTok, Video Livestream.

Mọi hành vi ứng xử của cá nhân trong nhóm cũng chịu sự chi phối, kiềm tỏa theo các khuôn mẫu, chuẩn mực của nhóm xã hội này. Vì vậy, công chức, viên chức phải ý thức về vai trò nêu gương, trở thành hạt nhân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, vun đắp tình đoàn kết xã hội, lối sống văn minh trên không gian xã hội.

Các nhóm được hành thành từ các cơ quan, đơn vị công tác hay tổ chức chính trị - xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần tạo dựng không gian mạng tích cực. Do vậy, cần phải phát huy vai trò như sau:

Một là, tham gia kiểm soát hành vi ứng xử của các thành viên trên MXH.

Ngày nay, các thành viên tham gia MXH dễ dàng kết nối, chia sẻ thông tin chung của nhau, nên cán bộ của mỗi cơ quan, đơn vị cũng dễ tham gia vào cộng đồng mạng để kịp thời nắm bắt được diễn biến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của các quần chúng tham gia MXH.

Qua đó, lãnh đạo cơ quan/đơn vị kịp thời có những góp ý, hay biện pháp điều chỉnh hành vi ứng xử đúng quy chuẩn xã hội cho các thành viên trong đơn vị của mình.

Hai là, để định hướng dư luận xã hội trên các trang MXH, trước hết cán bộ công chức, viên chức cần phát huy tính gương mẫu của mình có thể thiết lập các nhóm cộng đồng mạng để cùng nhau cung cấp, chia sẻ những thông tin, những bài viết, những ý kiến bình luận có ý nghĩa tích cực.

Xây dựng các kênh truyền thông chính thống theo luồng thông tin dự luận và kết nối các tài khoản trên MXH để chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó, góp phần chia sẻ những ý kiến hay, phản bác những quan điểm tiêu cực, góp phần lan tỏa ra xã hội những giá trị chân chính.

Thực hiện vai trò chức năng nhiệm vụ của Sở chuyên ngành cần duy trì và nhân rộng cách làm này trong mọi cơ quan, tổ chức để tạo nên phòng tuyến đủ sức đấu tranh ngăn chặn mọi luồng tư tưởng, quan điểm lệch lạc, phản động vào đời sống tinh thần xã hội.

Ngoài ra, nếu biết tổ chức khéo, với lực lượng hàng triệu cán bộ, đảng viên, viên chức vốn có bản lĩnh chính trị kiên cường được kết nối sẽ trở thành hạt nhân tích cực huy động sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, từng bước xây dựng được thế trận lòng dân trên không gian mạng nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Khi đã tạo lập được thành trì niềm tin thì sẽ không một âm mưu thủ đoạn nào có thể làm phân rã để lợi dụng được.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm ứng xử của công chúng trên không gian mạng xã hội.

Mọi mưu đồ xuyên tạc, bóp méo thông tin, bịa đặt thông tin, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động đều nhắm tới người dân, hòng lừa dối, xúi giục, lôi kéo người dân chống lại chính thể xã hội. Vì vậy, mọi người dân phải ứng xử có trách nhiệm khi tham gia MXH.

Không gian mạng được ví như là môi trường sống thứ hai của con người trong xã hội hiện đại. Hiện nay, có một bộ phận dân cư dành thời gian cho môi trường mạng còn nhiều hơn môi trường sống thực.

Mọi cách nghĩ, cách làm (kể cả quan điểm sống) được thể hiện trên MXH như thế nào sẽ ảnh hưởng mạnh đến hành vi ứng xử trong đời sống thực. Thực tế đó càng đặt ra yêu cầu mọi người phải có ý thức, trách nhiệm cao khi tham gia MXH.

Không chỉ đòi hỏi người tham gia MXH phải ứng xử chuẩn mực trong tỏ bày ý kiến, hay lời bình luận mà còn phải có thái độ biết phản đối, đấu tranh chống lại lời bịa đặt, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch với mưu đồ xấu. Trước những thông tin, sự việc trái chiều, cần bình tỉnh kiểm chứng qua những kênh thông tin chính thống chứ không vội vàng chia sẻ hay bình luận thiếu căn cứ hoặc tin theo một cách mù quáng.

Vẫn biết việc quản lý MXH để ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch là khó khăn, nhưng nếu kiên trì, biết triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận giữa các tổ chức và cá nhân trong xã hội thì không kẻ thù nào có thể phá vỡ được thành trì niềm tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ, cùng hướng về tương lai tươi đẹp của đất nước.

Có thể thấy rằng, nhiệm vụ lồng ghép các nội dung đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tác, chống phá của các thế lực thù địch trên các mặt hiện nay là yêu cầu cần thiết đối với đội ngũ cán bộ thực hiện công việc chuyển đổi số trên thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.

Để thực hiện được những yêu cầu đặt ra việc quan trọng nhất đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức phải không ngừng tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số để có thể thực hiện được mục tiêu kép, vừa hoàn thành công việc chuyên môn, vừa thực hiện được nhiệm vụ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay.

NGUYỄN THU PHƯƠNG

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.