TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Lan tỏa các chính sách an dân

.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đặc biệt thể hiện rõ nét tại Nghị Quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”. Tại Đà Nẵng, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố xác định chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội chính là nền tảng quan trọng để tạo đà thúc đẩy thành phố phát triển hiện đại và bền vững. Kết quả nổi bật mà thành phố đạt được đã tiếp tục khẳng định chính sách an dân của thành phố ngày càng hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (phải) đến thăm thương binh 1/4 Phan Tấn Minh (quận Hải Châu) nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Ảnh: THANH SƠN
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (phải) đến thăm thương binh 1/4 Phan Tấn Minh (quận Hải Châu) nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Ảnh: THANH SƠN

Phát huy những chính sách nhân văn

Trong một lần theo chân cán bộ công tác kế hoạch hóa gia đình thành phố lên khám bệnh cho phụ nữ ở bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), cả đoàn ai cũng ái ngại cho số phận của gia đình chị L.T.B khi phải vất vả một mình nuôi 2 con nhỏ với nguồn thu nhập bấp bênh từ nhặt rác. Vậy mà mới đây, tình cờ gặp lại, chị B. cho biết đang buôn bán ở chợ Hòa Khánh. Chị khoe: “Nhờ chính quyền và những nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí để mưu sinh, hơn chục năm nay tôi bỏ nghề nhặt rác, về đây buôn bán, 2 con đều trưởng thành, có gia đình và việc làm ổn định”. Chị B. là một trong hàng nghìn người dân vươn lên thoát nghèo thành công nhờ những hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền thành phố.

Với hàng loạt chính sách vượt trội thông qua việc trợ cấp thường xuyên hằng tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng cho nhóm người cao tuổi, khuyết tật, trẻ mồ côi, người tai nạn, bệnh mạn tính, hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 35 triệu đồng để xây nhà mới và 20 triệu đồng/trường hợp để sửa chữa nhà, đã giúp nhiều người vượt qua khó khăn.

Đặc biệt, hộ đặc biệt khó khăn còn được vay không lãi suất 30 triệu đồng để tổ chức làm ăn. Hộ nào thoát nghèo, hoàn vốn đúng hạn sẽ được thành phố hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ... Điều đáng nói, đây là những giải pháp từ quá trình đối thoại trực tiếp với những hộ đặc biệt nghèo, vì vậy phát huy rất tốt hiệu quả.

Từ thành công của các chương trình mang đậm tính nhân văn được thành phố triển khai hiệu quả và tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội như: Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, năm 2016, Thành ủy ban hành Quyết định số 2526-QĐ/TU ngày 30-11-2016 về Đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an”. Trong đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ trì thực hiện các mục tiêu trong chương trình an sinh xã hội.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Phan Thị Thúy Linh cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, lĩnh vực xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, được dư luận hoan nghênh, bảo đảm các mục tiêu về an sinh xã hội, mang lại sự công bằng, bình đẳng xã hội, hạnh phúc cho nhân dân.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố đã ban hành các chính sách và giải pháp đồng bộ hướng đến giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển các ngành nghề, mô hình với tổng nguồn lực huy động đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Chương trình giảm nghèo đã tạo thuận lợi cho 43.000 lượt hộ vươn lên thoát nghèo theo chuẩn từng giai đoạn. Thành phố đã bố trí kinh phí 368 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cấp cho người nghèo; miễn giảm học phí cho 88.731 lượt học sinh, với kinh phí 23 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5.320 nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí hơn 84 tỷ đồng; bố trí chung cư cho 1.384 hộ nghèo; hỗ trợ lắp đặt điện nước, công trình vệ sinh, nước sạch, đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho 7.694 hộ, với kinh phí hơn 6 tỷ đồng; đào tạo nghề miễn phí cho 10.086 lao động và có 26.647 lượt lao động nghèo được giải quyết việc làm; 43.293 lượt hộ nghèo vay vốn, với kinh phí 874 tỷ đồng…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc) được các đơn vị, địa phương quan tâm. Đến nay, đã hỗ trợ đưa gần 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, có nguồn thu nhập cao, góp phần nâng cao đời sống của các gia đình, giảm nghèo bền vững.

Ngoài các chính sách do Trung ương quy định, thành phố chủ động áp dụng một số chính sách đặc thù như: Nâng mức trợ cấp cho tất cả các đối tượng bảo hiểm xã hội; trợ cấp hằng tháng cho đối tượng ốm đau thường xuyên thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trợ cấp hằng tháng cho người mắc bệnh hiểm nghèo; đã có 23.350 lượt người được trợ cấp, với kinh phí trên 67 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 1,5% trở lên. Trong năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thành phố đã hỗ trợ 107.433 đối tượng là người có công và bảo trợ xã hội gặp khó khăn, kinh phí 115,8 tỷ đồng. Trong đó có 3.083 đối tượng đặc thù với kinh phí hơn 4,62 tỷ đồng.

Chăm lo chu đáo gia đình chính sách

Nhiều năm qua, Đà Nẵng đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống của người có công cách mạng. Riêng 5 năm qua, cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thành phố còn có những chính sách mang tính đột phá nhằm bảo đảm tất cả gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình khu dân cư nơi sinh sống.

Bên cạnh dành nguồn lực lớn để thực hiện xây dựng và sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, thành phố cũng quan tâm giải quyết nhanh, đầy đủ và kịp thời các chính sách cho người có công với cách mạng.

Trong 5 năm qua, thành phố đã tiếp nhận, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho hơn 25.000 lượt đối tượng được hưởng chế độ; giải quyết cho gần 11.000 người thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân hưởng trợ cấp; mỗi năm cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 7.000 con em liệt sĩ và trên 93.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Giải quyết kịp thời và cao hơn mức quy định của Trung ương cho hơn 100.000 người được hưởng chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công cách mạng về chế độ thờ cúng liệt sĩ, chăm sóc thương bệnh binh, cán bộ tham gia tiền khởi nghĩa, người hoạt động kháng chiến được hưởng huân, huy chương...

Hằng năm, thành phố cũng dành ra nguồn ngân sách đáng kể để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là con em gia đình chính sách bảo đảm có điều kiện học tập tốt.

Bên cạnh những hỗ trợ vật chất, những năm qua, thành phố cũng rất quan tâm chăm lo đời sống tinh thần các gia đình chính sách. Các phong trào, hoạt động như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Chăm sóc thân nhân liệt sĩ”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, tìm về địa chỉ đỏ... đã được các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và người dân thành phố nhiệt tình tham gia, thể hiện sự tri ân sâu sắc với các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, trong giai đoạn từ 2015-2020, thành phố đã gặt hái nhiều kết quả rất tích cực. Bằng nhiều chính sách, giải pháp, cách làm sáng tạo, thành phố đã làm tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc gia đình chính sách.

Bài học kinh nghiệm là phải có sự quyết tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, sự đồng thuận, chung tay của các tổ chức và của các tầng lớp nhân dân; công tác xây dựng chính sách cần xây dựng mang tính hệ thống, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tránh dàn trải các nguồn lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

Ngày 25-9-2020, phát biểu tại hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và “Thành phố 4 an” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25-12-2014 về văn hóa, văn minh đô thị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định: “Chặng đường 20 năm qua, thành phố đã rất thành công trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhờ những chủ trương, chính sách kịp thời, nhân văn và thiết thực.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố đã làm rất tốt công tác kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội có cơ hội vươn lên. Vì vậy, chúng ta tự tin nói rằng thành phố không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, để công tác chăm lo người dân nói chung và người nghèo nói riêng luôn đạt kết quả như mong đợi”.

Đến nay, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đề ra theo các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020. Cụ thể, hoàn thành 100% mục tiêu hộ chính sách có nhà ở ổn định, nhà ở không xuống cấp nghiêm trọng và không có hộ chính sách nghèo theo chuẩn giai đoạn 2012-2017. Xóa 100% nhà tạm hộ nghèo, giảm hộ nghèo về trước 2 năm (năm 2015, mục tiêu đề ra năm 2017) với hơn 43.000 lượt hộ vươn lên thoát nghèo theo chuẩn từng giai đoạn.

Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị từ 4% năm 2015 xuống còn 3,2% ở cuối năm 2019; tỷ lệ việc làm tăng thêm bình quân hằng năm đạt 4,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của thành phố tăng từ 49% năm 2015 lên 53% năm 2019...

THANH SƠN - D.MINH

;
;
.
.
.
.
.