Đại tá Phan Văn Cúc, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Vùng 3 Hải quân: Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng bảo vệ chính trị nội bộ
Là một đảng viên, qua nghiên cứu toàn bộ nội dung Dự thảo Văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí cao và tán thành các vấn đề Ban Chấp hành Trung ương nêu ra lần này. Tôi xin được đề cập một khía cạnh về “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ”.
Bác Hồ nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Ban Chấp hành Trung ương lần này xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”. Sự cần thiết phải thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: “Mối quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối công tác cán bộ; giữa quan điểm giai cấp với mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài...”, Trung ương Đảng cũng xác định: Quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tiếp tục ban hành thực hiện các quy chế, cơ chế công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ ở các khâu; đặc biệt là đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để quản lý bố trí sử dụng đúng cán bộ, nhằm ngăn chặn đẩy lùi những tiêu cực trong công tác cán bộ kéo dài đã làm nhức nhối đau lòng trong Đảng và nhân dân.
Trước những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch và đấu tranh phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, việc tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng; Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên, chống cục bộ lợi ích nhóm, bè phái gây mất đoàn kết, làm trong sạch nội bộ Đảng…
Toàn bộ những vấn đề Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị về đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ như đã nêu trên, tôi hoàn toàn nhất trí. Để biến những quyết tâm thành hiện thực, có hiệu quả thực sự là không dễ, vì đã 3 - 4 kỳ đại hội đã nêu ra vấn đề này nhưng chưa khắc phục triệt để, thậm chí có mặt tiêu cực như chạy chức, cục bộ, bè phái, con ông cháu cha... đã làm nhức nhối, giảm lòng tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, tôi xin góp ý và đề nghị một số ý kiến như sau:
- Trong lựa chọn bố trí, sử dụng cán bộ, đừng quá nặng về bằng cấp, học vị, phải xem xét năng lực tổ chức hoạt động, cán bộ đó có năng động sáng tạo, dám nghỉ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
- Không dùng từ “đổi mới” phương thức tuyển chọn cán bộ, mà phải nói đổi mới quy chế, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ. Trong Đảng, phải thực sự đổi mới bầu cử theo hướng dân chủ hơn, không để có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” để số dư quá ít làm mất tính dân chủ và sự lựa chọn. Ví dụ như bầu bí thư, phó bí thư, đề cử chỉ một người làm sao lựa chọn? Vì vậy, để thực sự đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trước hết phải lựa chọn, đổi mới đội ngũ trực tiếp tham mưu cho cấp ủy làm công tác cán bộ ở các cấp, phải đề ra quy chế chặt chẽ, kín kẽ nhưng thực sự dân chủ, không hình thức.
Chấm dứt tình trạng chạy bằng, chạy chức, cục bộ địa phương, phe nhóm; không nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chọn người đứng đầu mà chỉ giới thiệu một người để lấy phiếu, mà ít nhất phải có hai người trở lên để lựa chọn. Nên áp dụng rộng rãi về thi tuyển để chọn cán bộ các cấp một cách công tâm, khách quan, minh bạch. Đối với cán bộ cấp cao, nên chấm dứt tình trạng cậy thế, gợi ý, gò trên ép dưới, đưa đặt con em và người thân giữa các vị trí này, vị trí kia… khi chưa đủ năng lực đạo đức, chưa qua rèn luyện thử thách…, từ đó làm giảm lòng tin trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.