Đồng bào dân tộc Cơtu của huyện Hòa Vang tập trung sinh sống ở 3 thôn của 2 xã (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) với 322 hộ, với 1.109 khẩu.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện Hòa Vang, các ngành, các cấp đã tập trung xây dựng, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trên các lĩnh vực.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện đã đầu tư cho 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú, giai đoạn 2011-2015 với tổng số tiền trên 14 tỷ đồng, để xây dựng và cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn, mạng lưới cấp nước, xây dựng và nâng cấp trường học, nhà họp thôn, đường giao thông…
Đến nay, đã có 100% số hộ của 2 xã được sử dụng điện lưới quốc gia và hơn 400 hộ sử dụng nước sạch. Huyện đầu tư xây dựng 100% trường lớp học kiên cố với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng; quan tâm đến việc hỗ trợ học phí, sinh hoạt cho học sinh là người dân tộc thiểu số đúng quy định và kịp thời. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ học bổng hằng tháng 800.000 đồng/học sinh đối với các em là người dân tộc học nội trú tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc). Trong 5 năm (2011 - 2015), tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc ở 2 xã Hòa Phú, Hòa Bắc trên 3,7 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác giáo dục, hầu hết các em là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp đông đủ, yên tâm học tập.
Về chăm sóc sức khỏe cho người dân, cả 2 xã đều có bác sĩ và cán bộ chuyên môn y tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ, người dân có ý thức trong việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mình nhất là phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết… Công tác tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên gần gũi với đồng bào, tư vấn đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, qua đó giúp người dân ý thức được việc chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết, sinh nhiều con…
Công tác giảm nghèo, xóa nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số được huyện chú trọng. Huyện đã hỗ trợ phương tiện sinh kế, vốn buôn bán cho 74 hộ nghèo với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng, xóa 9 nhà tạm với tổng kinh phí 270 triệu đồng. Riêng trong năm 2015, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 136 nhà dân tộc trên địa bàn huyện (13 nhà xây mới, 123 nhà sửa chữa), kinh phí hỗ trợ với số tiền 3,2 tỷ đồng. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm mạnh so với năm 2011 (124 hộ năm 2011 còn 71 hộ năm 2015), không có trường hợp tái nghèo.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu, hằng năm, vào Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4), huyện tổ chức liên hoan văn hóa – thể thao như: biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, múa tung tung da dá, trưng bày gian hàng ẩm thực và các vật dụng gắn với sinh hoạt, lao động sản xuất. Huyện đã hỗ trợ kinh phí trang bị cồng chiêng, khố nam, khố nữ cho đồng bào dân tộc với tổng giá trị 100 triệu đồng; đầu tư xây dựng, sửa chữa các nhà gươl với kinh phí 450 triệu đồng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Về dạy nghề, giải quyết việc làm, trong thời gian qua, huyện đã xây dựng nhiều mô hình giải quyết việc làm phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã tổ chức dạy nghề mây tre và hỗ trợ hình thành Hợp tác xã mây tre đan lát An Khê; khôi phục Hợp tác xã sản xuất rượu cần thôn Phú Túc; hướng dẫn cải tạo vườn tạp, hỗ trợ cây giống, bò giống, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để kinh doanh, phát triển kinh tế; qua đó đã giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới trong đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy quan tâm, số lượng đảng viên là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Hiện nay số lượng đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số là 61 người, trở thành hạt nhân để củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Công tác xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm, chú trọng, số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tốt vai trò gương mẫu trong lối sống và làm kinh tế, tích cực trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được quan tâm hơn. Hiện nay có 33 cán bộ là người dân tộc thiểu số đang công tác tại các cơ quan Nhà nước từ huyện đến xã.
Nguyễn Văn Ấn