.
Những "cứu tinh" của ngư dân

Bài 1: Đạp sóng cứu ngư dân

.

(ĐNĐT) - Hàng tháng trời lênh đênh giữa biển khơi, tàu bè, ngư dân… chẳng may gặp nạn cần sự giúp đỡ, bất kể sóng gió quăng quật, họ luôn có mặt kịp thời. Họ chính là những sỹ quan, thuyền viên trên tàu cứu nạn thuộc Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II (Danang MRCC). Tinh thần trách nhiệm và lòng quả cảm của họ khuất phục sự cuồng nộ của đại dương, và từ lâu họ trở thành những “vị cứu tinh trên biển”.

Nhận lệnh là lên đường

Tàu cứu nạn SAR412 của Danang MRCC lên đường đi cứu nạn.
Tàu cứu nạn SAR412 của Danang MRCC lên đường đi cứu nạn.

Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR412 Danang MRCC Phan Xuân Sơn tâm sự, thời điểm này, mặc dù chưa phải là mùa biển động hay bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên các anh em chiến sĩ, thủy thủ của tàu mới được một chút thời gian nằm bờ.

“Nói là nằm bờ nhưng tất cả luôn trong tư thế sẵn sàng lao về phía biển. Phòng Phối hợp cứu nạn luôn có cán bộ trực 24/24h để tiếp nhận thông tin cần được giúp đỡ, cứu hộ của tàu bè, ngư dân khi đánh bắt ngoài khơi nếu không may gặp nạn. Bất kể ngày đêm, lúc biển lặng hay khi sóng to gió lớn, bất kể là đang làm gì, nhưng hễ nhận được lệnh là lập tức lên đường”, anh Sơn chia sẻ về đặc thù nhiệm vụ cứu nạn của mình và các đồng đội.

Sinh ra ở Nghệ An, với tình yêu biển từ lúc nhỏ nên anh đăng ký thi vào trường Đại học Hàng hải để thực hiện được mơ ước của mình. Tính đến nay, anh đã có gần 30 năm gắn bó với những con tàu lênh đênh đại dương. Đầu năm 2005, anh nhận nhiệm vụ thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 cho tới nay.

Anh Sơn nói, cũng may là vợ con và người thân đều hiểu và  chia sẻ nhiều trong công việc nên anh yên tâm gắn bó. “Vì đặc thù công việc nên bất cứ lúc nào điện thoại cũng kè kè bên người. Kể cả nhiều khi đang bận những việc “rất riêng tư” nhưng chỉ cần có lệnh báo là 15 phút sau tất cả chúng tôi phải có mặt đầy đủ tại tàu và tức tốc lên đường”.

Chỉ tay về  phía mặt biển với những con sóng bạc đầu đang thi nhau vỗ vào cầu tàu, anh Nguyễn Tùng Sơn, máy trưởng tàu SAR 412 – người cũng đã gắn bó với công việc bảo trì máy ở tàu này hơn 7 năm nay, trải lòng: “Những lúc như thế này tàu bè ít phải đối mặt với hiểm nguy, bất trắc, nhưng chúng tôi cũng không được lơ là, khinh suất dù một phút. Chẳng may có một cơn cuồng phong bất chợt ập đến, tàu thuyền chết máy, có người bị tai nạn lao động trên biển… nhận được tin là chúng tôi lập tức lên đường bất kể điều kiện thời tiết nào”.

Anh bảo, nhiều bạn bè của anh thắc mắc trên biển có gì  vui, có gì hấp dẫn mà cứ ở miết dưới đó, anh cũng không sao giải thích được, nhưng đối với anh, được gắn bó với biển là niềm đam mê, và đã ăn vào máu thịt từ lâu rồi.

Những kỷ niệm để đời

Có không biết bao nhiêu kỷ niệm đã trải qua, các anh sẽ không thể nhớ hết, nhưng có một điều mà lần ra khơi cứu nạn nào các anh cũng gặp phải giống nhau, đó là con tàu phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của biển khơi, và con người luôn phải đối mặt với đầy hiểm nguy.

Tất cả những lần ra khơi cứu nạn, con tàu phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của biển khơi, và con người luôn phải đối mặt với đầy hiểm nguy.
Tất cả những lần ra khơi cứu nạn, tàu phải hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của biển khơi, và con người luôn phải đối mặt với hiểm nguy.
Dùng ca nô để tiếp cận tàu bị nạn.
Dùng ca nô để tiếp cận tàu bị nạn.

Thuyền trưởng Sơn cho hay, tàu tìm kiếm cứu nạn là tàu cao tốc, thân vỏ được làm bằng hợp kim nhôm nên nhẹ, mớn nước thấp, tính ổn định của tàu cao nên rất lắc khi hành trình trên biển nhất là trong điều kiện thời tiết xấu. Nhưng khó khăn nhất là việc tiếp cận tàu bị nạn khi ra đến nơi trong điều kiện sóng to, gió lớn, chỉ cần sơ sểnh không giữ được khoảng cách an toàn là sóng xô hai tàu vào nhau ngay lập tức.

Rồi anh kể cho chúng tôi nghe một trong nhiều đợt cứu nguy ngư dân gặp nạn trên biển mà anh nhớ mãi. Đó là vụ cứu nạn thành công các ngư dân trên tàu cá của ông Trương Đời (ở Hoài Nhơn, Bình Định) cách đây 3 năm.

Anh nhớ lại, lúc nhận được lệnh ra khơi cứu nạn lại đúng lúc anh vừa mới cầm ly rượu mừng hoàn thành lớp nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn nâng cao.

“Nhận lệnh là chúng tôi lập tức bỏ ly và đi ngay, trong khi chưa kịp ăn gì vào bụng. Trong lúc vừa trên đường đi, vừa tìm cách liên lạc mà chưa được, ai cũng lo lắng. Anh em phải dùng phần mềm tính toán, kinh nghiệm để tìm kiếm và may mắn đến 5 giờ sáng hôm sau thì liên lạc và tiếp cận được tàu ở ngang phía Nha Trang. Nhưng trên đường kéo vào thì lại gặp sóng gió mịt trời nên bị đứt dây kéo tới 3 lần. Trong khi đó, thì ngang ở phía Bình Thuận có cơn bão lớn đang ập tới. Sau đó chúng tôi phải tính toán và kéo tàu men theo vịnh Cam Ranh cho đỡ bị sóng đánh. Mất hơn một ngày thì đưa được tàu và các ngư dân này và vào bờ an toàn”, thuyền trưởng Sơn kể.

Kỷ niệm nữa, mà theo anh Sơn là nguy hiểm nhất từ trước tới nay, là chuyến cứu nạn một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng gặp bão và bị nạn cách đây 2 năm. Khi ấy, con tàu bị nạn đang nằm trong tâm bão thì tàu SAR412 nhận được lệnh lên đường nên ai nấy đều lo lắng và tính toán làm sao tiếp cận được tàu bị nạn an toàn trong thời tiết nguy hiểm.

“Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế, cả con tàu chúng tôi mà vào gần tâm bão cũng như chiếc lá tre giữa hồ lớn, rất nguy hiểm. Mà lúc đó lại mưa bão lớn khiến tầm nhìn cũng bị hạn chế. Nên lúc đang kéo tàu bị nạn vào thì bị đứt dây nhưng lúc quay lại cũng không thể nhìn thấy gì. Cuối cùng phải nhờ sự phối hợp với máy bay cứu nạn bay ra tìm kiếm. Qua hai ngày sau tàu chúng tôi cũng tìm và đưa được tạu bị nạn vào bờ, và may mắn là mọi người trên tàu đều an toàn”, anh Sơn kể.

Cứu người là trên hết

Theo anh Sơn, khi đạp sóng ra biển cứu nạn thì việc tính toán nhiều hơn là lo lắng. Bởi ngay khi đã nhận nhiệm vụ cứu nạn là mọi người đã phải tính toán hướng đi ngắn nhất; rồi tính xem khi ra tới vị trí bị nạn thì sẽ tiếp cận ra sao; đưa người lên tàu mình như thế nào… Tất cả công việc đều phải tính kỹ để công tác cứu nạn được nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bởi không chỉ cứu giúp được tính mạng của ngư dân, mà anh em chiến sĩ, thủy thủ cũng sớm được về bờ.

“Lúc đi làm nhiệm vụ thì không ai còn nghĩ tới khó khăn, mà chỉ mong làm sao cứu được người bị nạn nhanh nhất và đưa về bờ an toàn. Điều kiện trên biển khó khăn hay nguy hiểm mức nào các anh em cũng phải cố hết sức để tìm cho đủ ngư dân thì mới yên tâm trở về”, thuyền phó ba Trần Quang Thanh tâm sự.

Lai dắt tàu bị nạn vào bờ.
Lai dắt tàu bị nạn vào bờ.
Công việc luyện tập cứu nạn luôn được tiến hành thường xuyên để tăng cường khả năng của các thành viên trên tàu.
Công việc luyện tập cứu nạn luôn được tiến hành thường xuyên để tăng cường khả năng của các thành viên trên tàu.

Anh Thanh cho biết, trước khi về làm thuyền phó ba tàu cứu nạn SAR 412 này, anh là thủy thủ của tàu chở hàng viễn dương. Anh chậm rãi kể lại kỷ niệm cứu tàu cá ngư dân bị nạn trong năm 2004, năm đầu tiên anh nhận nhiệm vụ.

Lần đó, tàu được lệnh hỗ trợ lai dắt một tàu cá bị nạn, nhưng đi được một đoạn thì dây lai bị đứt, khi ấy đang khoảng 20 giờ tối giữa biển khơi mù mịt, sóng lớn. Thuyền trưởng khi đó cũng mới nhận nhiệm vụ cứu nạn nên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm.

Ngay sau đó, anh nhảy ùm và lặn xuống đáy biển, rồi quấn đoạn dây vào người để tìm cách nối lại chỗ đoạn dây bị đứt. Dưới biển nước rất lạnh và tối om. Sau một hồi vất vả đánh vật với sợi dây có đường kính phi 100 anh đã nối lại được đoạn dây và con tàu được đưa về bờ an toàn trong niềm vui khôn xiết của đồng đội và hàng chục người thân các ngư dân đứng chờ tin ở cầu cảng.

Đưa ánh mắt nhìn ra xa xăm phía biển khơi, anh trầm ngâm: "Giờ nghĩ lại khi đó mới thấy sợ, vì tôi bơi một mình giữa biển mênh mông, lại đêm hôm, nước lạnh buốt, lỡ không may có chuyện gì xảy ra thì chẳng biết thế nào". Anh tiếp: “Nhưng đặc thù công việc của chúng tôi là vậy nên mọi người đều phải biết dẹp mọi nỗi lo, để tập trung vào nhiệm vụ cứu người. Bởi mỗi khi cứu được mạng sống cho họ thì mọi khó khăn đều chỉ là chuyện bình thường”.

Mỗi khi cứu được mạng sống thì mọi khó khăn mà các thành viên phải trải qua đều chỉ là chuyện bình thường.
Mỗi khi cứu được mạng sống thì mọi khó khăn mà các thành viên phải trải qua đều chỉ là chuyện bình thường.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.