Phóng sự - Ký sự

Mang xứ sở "Mặt trời mọc" ra thế giới

15:44, 04/03/2017 (GMT+7)

Với một chiếc xe kéo tay Rickshaw truyền thống, 3 chàng trai Nhật Bản - Suzuki Yuuji (26 tuổi), Hirano Ken (27 tuổi) và Takahashi Keisuke (26 tuổi) - thực hiện hành trình kéo dài 3 năm nhằm mang hình ảnh của xứ sở “Mặt trời mọc” đến với người dân khắp thế giới.

Vòng xe Rickshaw đã “lăn” đến cầu Rồng nhờ các chàng “kéo xe”.
Vòng xe Rickshaw đã “lăn” đến cầu Rồng nhờ các chàng “kéo xe”.

Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò “Yokoso! Yokoso!” (tạm dịch: “Chào mừng! Chào mừng!”) vang lên không ngớt khi chiếc xe kéo lăn bánh vào cổng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) vào một ngày cuối tháng 2-2017. Takahashi nở nụ cười tươi, nói vang “Xin cảm ơn!” bằng tiếng Việt.

Anh chàng hóm hỉnh nói, anh vừa đến Việt Nam thì học ngay 3 câu: “Xin chào!”, “Xin cảm ơn!” và “Bạn thật là đẹp!”, bởi “chỉ cần 3 câu ấy là đủ.” Đến Đà Nẵng vào ngày 22-2, ba chàng trai “kéo xe” bắt tay ngay vào việc làm quen, giao lưu với các sinh viên học tiếng Nhật trên địa bàn thành phố. Đương nhiên buổi giao lưu nào cũng không thể vắng mặt nhân vật quan trọng nhất - chiếc xe Rickshaw.

Đường dài không nản

Tại buổi gặp mặt sinh viên Trường Đại học Đông Á hôm ấy, Takahashi, Hirano và Suzuki, mỗi người đều mặc một bộ trang phục đặc biệt: đầu quấn đai, thân vận một tấm “tạp dề” màu xám. Suzuki bảo, đây là cách ăn mặc của người phu xe Rickshaw ngày xưa ở Nhật Bản.

Mỗi thứ phục trang trên người anh đều có một tên gọi riêng. Chiếc đai là Hachimaki, còn tấm “tạp dề” là Muneate. “Bây giờ ở Nhật Bản, “dân” cosplay (những người hóa trang thành các nhân vật hoặc hình ảnh nổi tiếng) đang có “mốt” hóa trang thành phu xe đấy,” Suzuki cười nói.

Xuất phát từ tháng 9-2016 tại bến cảng Tokyo (Nhật Bản), Takahashi, Hirano và Suzuki cùng chiếc Rickshaw bắt đầu hành trình đi qua hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới. Với chiếc xe kéo tay, họ mong muốn được giới thiệu về văn hóa và con người Nhật Bản theo cách mới - không phải bằng những máy móc tối tân, công nghệ hàng đầu thế giới mà bằng phương tiện vận chuyển thô sơ từng rất phổ biến ở châu Á suốt thế kỷ 19, để từ đó mở ra một kỷ nguyên mới của những phát triển công nghệ ở xứ sở này.

Chiếc xe kéo cũng là cách gợi nhắc người dân thế giới về Olympic 2020 sẽ được tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản). “Còn 3 năm nữa đến Thế vận hội, cả ba chúng tôi đều đã đăng ký làm tình nguyện viên kéo xe Rickshaw trong dịp đó”, Suzuki khoe.

Xuất phát từ Tokyo, theo đường biển, các chàng trai đến Trung Quốc. Từ đây, hành trình kéo xe bắt đầu. Sau gần nửa năm rong ruổi khắp Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Takahashi, Hirano và Suzuki cập cảng Hải Phòng đúng vào tối 30 Tết Đinh Dậu. “Hôm ấy, các nhân viên hải quan nghỉ Tết gần hết, chúng tôi bị kẹt lại gần 3 tuần lễ. Đến ngày làm xong thủ tục để được nhập cảnh, chúng tôi nhìn nhau thở phào, ai nấy đều mừng vì… thoát khỏi cảnh phải ăn mì tôm dài dài”, Suzuki nhớ lại.

Để khám phá đất nước Việt Nam, các chàng trai chọn đường đi Hải Phòng đến Hải Dương, Hà Nội rồi vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và “chốt” lại ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày các anh kéo xe được khoảng 30-40km, một người kéo thì hai người còn lại sẽ đạp xe đi theo. Cứ vậy luân phiên nhau, ngày nắng cũng như ngày mưa. “Chúng tôi chỉ mới 1-2 lần bị cảm lạnh nhẹ chứ chưa lúc nào bệnh nặng,” Hirano nói.

Ba chàng trai trong trang phục truyền thống của người kéo xe Nhật Bản giới thiệu về chiếc xe kéo Rickshaw. Đây là phương tiện giao thông phổ biến ở Nhật Bản vào thế kỷ 19.		   Ảnh: KHANG NINH
Ba chàng trai trong trang phục truyền thống của người kéo xe Nhật Bản giới thiệu về chiếc xe kéo Rickshaw. Đây là phương tiện giao thông phổ biến ở Nhật Bản vào thế kỷ 19. Ảnh: KHANG NINH

Suzuki chia sẻ, chính việc kéo xe đã giúp nhóm có thể dừng lại ở các địa phương để tham gia những sự kiện trao đổi, quảng bá văn hóa Nhật Bản tại những điểm du lịch nổi tiếng ở mỗi quốc gia.

Anh kể, tháng 11 năm ngoái, nhóm đến Thượng Hải (Trung Quốc) đúng dịp Lãnh sự quán Nhật Bản chuẩn bị tổ chức lễ hội văn hóa Nhật tại địa phương.

Thế là 3 anh chàng quyết định dùng chiếc xe kéo trứ danh của mình để phục vụ khách bản địa. “Ở Nhật, du khách muốn ngồi xe kéo phải trả tiền phí theo giờ khá cao; còn ở đây, chúng tôi kéo xe miễn phí, chỉ cần dân địa phương biết đến văn hóa Nhật Bản là vui rồi,” Suzuki nói.

Các chàng trai vẫn còn nhớ một kỷ niệm đẹp tại Việt Nam. Một buổi tối, khi kéo xe từ Hải Dương đến Hà Nội, họ phát hiện con đường mình đi chẳng có nhà nghỉ, khách sạn nào để trú chân. Lúc này, chân đã mỏi, tay đã rã rời, họ dừng lại ở một quầy tạp hóa nhỏ ven đường mua ít thực phẩm khô.

Nhìn bộ dạng “thê thảm” của ba chàng trai, cô chủ quầy - dù không hiểu được tiếng Nhật - đã mời họ vào nhà tắm rửa, rồi chỉ vào hiên nhà, ý bảo họ có thể lưu lại đêm tại đây. Ba chàng trai vội dựng lều nghỉ cho lại sức. Câu chuyện nhỏ ấy đến giờ các anh vẫn nhớ, xem như một món quà Việt Nam đã trao tặng. Những món quà như thế, Suzuki bảo, chính là động lực khiến họ vững lòng tiếp tục cuộc hành trình.

Những tháng năm chuẩn bị

Suzuki sinh ra tại cố đô Kyoto (Nhật Bản). Anh là người nghĩ ra ý tưởng kéo xe Rickshaw vòng quanh thế giới khi còn là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Osaka Gakuin (Suita, Nhật Bản). Anh chia sẻ, ước mơ từ nhỏ là trở thành cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp. Không may, mùa hè sau năm đầu đại học, anh bị đa chấn thương trong lúc tập luyện, đành từ bỏ giấc mơ.

Anh một mình đến Brazil - quê hương của nhiều danh thủ trong làng bóng đá thế giới -  xin gia nhập một câu lạc bộ và chơi bóng tại đó gần 2 tháng. Anh bảo, đây chính là lúc anh nhận ra rằng bên ngoài quê hương Nhật Bản là cả thế giới rộng lớn mà anh chưa từng biết đến. Niềm ham mê chu du từ đó dần nhen nhóm.

Năm 2013, Suzuki tốt nghiệp đại học và chuyển đến Tokyo với mục đích tìm một công việc, có thu nhập để thực hiện ước mơ du lịch vòng quanh thế giới. Tháng 6-2013, anh bắt đầu kéo xe Rickshaw cho một công ty du lịch. “Đối với tôi, công việc này rất vui. Tôi thấy mọi người hạnh phúc khi được ngồi trên chiếc xe kéo cổ xưa để đi thăm thú đây đó. Bình thường người Nhật không có mấy dịp được thư thái như vậy”, anh nói.

Không ngờ, chính từ lúc đó, Suzuki nghĩ ra ý tưởng vòng quanh thế giới bằng xe kéo. Tuy nhiên, anh thừa nhận kéo một mình “chắc không nổi”, bản thân lại không giỏi tiếng Anh, nên anh chia sẻ câu chuyện với một đồng nghiệp trong công ty là Hirano Ken. Hirano từ nhỏ đã dày dặn kinh nghiệm “phượt” nên đồng ý ngay và rủ thêm đồng nghiệp khác là Takahashi.

Từ lúc lập nhóm đến lúc xuất hành ròng rã 3 năm. Trong quãng thời gian đó, Takahashi, Hirano và Suzuki  làm việc cật lực để tiết kiệm tiền (số tiền cho chuyến hành trình ước tính tương ứng 600 triệu đồng Việt Nam). Vì công việc chính là kéo xe nên ai cũng có đủ sức khỏe và biết cách xử lý những hỏng hóc dọc đường.

Cái khó nhất là lên kế hoạch lộ trình, bởi Hirano dù từng đi du lịch nhiều nhưng chưa bao giờ kéo xe đường bộ qua nhiều nước. Trong kế hoạch phải ghi chi tiết đoạn nào có thể kéo, đoạn nào buộc phải dùng thuyền hoặc xe tải (do địa hình bất khả).

Tính đến cuối tháng 2-2017, ba chàng trai đã cùng nhau kéo xe đi được hơn 1.600km qua 4 quốc gia châu Á. Sau đó, chiếc Rickshaw sẽ tiếp tục lăn bánh đến châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương trước khi quay lại Nhật Bản để chào đón Olympic Tokyo 2020.

Rời gia đình, quê hương để theo đuổi một hành trình suốt 3 năm, 3 chàng trai từng bị bảo là “điên!”. Nhưng cái “điên” ấy lại xuất phát từ một bài học của tuổi trẻ, từ khát khao muốn đưa quê hương ra ngoài thế giới và được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt 3 năm liền.

Ngay trong buổi giao lưu với các sinh viên Trường Đại học Đông Á, ông Lương Minh Sâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đã bày tỏ hy vọng câu chuyện về 3 chàng trai sẽ truyền cảm hứng cho các sinh viên Việt Nam phát huy tinh thần, sức khỏe của tuổi trẻ để quảng bá hình ảnh quê hương với bạn bè quốc tế.

K.N

.