Phóng sự - Ký sự
Đò ơi…
Đã mười sáu năm trôi qua kể từ ngày cầu Sông Hàn nối nhịp bờ vui, cuộc sống của những người chèo đò cũng có phần đổi khác. Có người thôi làm nghề đưa khách qua sông để buôn bán nhỏ, có người an phận tuổi già nhưng còn không ít những dì, những mẹ vẫn bám lấy con đò nhỏ mưu sinh như một phần máu thịt không thể tách rời.
Trong số gần 40 ghe đò hành nghề, phân nửa là phụ nữ đơn thân bươn chải để nuôi con ăn học. Ảnh: HOÀNG HÂN |
“Đò ơi!”… Tiếng gọi đò của ai đó cất lên trong sáng tinh mơ giữa những ồn ào, tấp nập của Cảng cá Thọ Quang, tôi nghe tim mình như thắt lại bởi ngày xưa, tôi cũng lớn lên từ con đò chòng chành của má. Nhìn những chiếc đò nhỏ mưu sinh giữa dòng đời xuôi ngược, ai biết rằng mỗi nhịp chèo của những người phụ nữ nghèo là một nỗi niềm buồn vui khó tả. Có những bà mẹ mấy mươi năm chèo đò đến khi tuổi xế chiều vẫn không có một mái nhà để ở, có những chị luống tuổi có tấm chồng cũng như không, có những cô lại “nối nghiệp” theo mẹ chèo đò... Phận chèo đò - như những người phụ nữ nhỏ bé ấy tâm sự, chỉ gói gọn trong một chữ “khổ”.
Đã mười sáu năm trôi qua kể từ ngày cầu Sông Hàn nối nhịp bờ vui, cuộc sống của những người chèo đò cũng có phần đổi khác. Có người thôi làm nghề đưa khách qua sông để buôn bán nhỏ, có người an phận tuổi già nhưng còn không ít những dì, những mẹ vẫn bám lấy con đò nhỏ mưu sinh như một phần máu thịt không thể tách rời.
Nhiều người tranh thủ vớt chai nhựa, vỏ lon trôi nổi trên mặt sông để kiếm thêm thu nhập. |
Má tôi – từ dạo ấy, cũng thôi làm nghề chèo đò, nhà tôi không còn ở làng cá Nại Hiên Đông nữa. Bẵng thời gian mười mấy năm trôi qua, trong bể dâu của cuộc đời, tôi gặp lại gương mặt quen thuộc của những cô, những dì vẫn còn làm nghề chèo đò năm xưa. Vẫn là dì Hường, dì Hương, bà Thám hay cho quà bánh hồi tôi còn bé…, chỉ có điều thời gian đã làm tóc họ thêm điểm bạc, làn da thêm nám sạm vì nắng gió. Ngồi trên chiếc đò nhỏ của dì Hường để tìm lại một phần tuổi thơ đã mất, tôi như thấy ấm lòng vì vẫn có vài người nhớ đến và hỏi thăm má tôi, bà ngoại tôi.
Làm nghề chèo đò từ năm 12 tuổi, đến nay đã 35 năm gắn bó cái vị mằn mặn của sông nước, chị Lê Thị Lệ, ở nhà 4B, khu chung cư (KCC) Làng cá Nại Hiên Đông, vẫn không quên được những năm tháng làm nghề chèo đò trên dòng sông Hàn. “Hồi trước chưa có cầu bắc qua sông, nghề chèo đò cũng tấp nập lắm. Phần lớn người dân Nại Hiên Đông đều làm nghề chèo đò, nhờ đó mà nuôi con ăn học nên người. Chừ chuyển qua chèo đò ở Cảng cá Thọ Quang có phần khó khăn hơn nhưng cũng được dăm ba đồng đủ sống qua ngày”, chị Lệ tâm sự. Trong giọng nói rưng rưng của người phụ nữ đơn thân ấy dường như chứa chất sự mỏi mệt vì phải thức suốt đêm chèo đò để chở cá vào bờ, chở khách ra tàu.
Theo những người chèo đò lâu năm cho biết, hiện ở Cảng cá Thọ Quang có khoảng 40 chiếc ghe hành nghề, cũng chủ yếu là của người dân phường Nại Hiên Đông. Phải thức từ đêm khuya đến sáng, thậm chí qua trưa, nhiều người làm nghề chèo đò đã mấy mươi năm không có giấc ngủ yên, chỉ mong kiếm được chút tiền đem về lo cho chồng bệnh tật, lo cho con được cắp sách đến trường.
Chồng bị bệnh tâm thần từ khi sinh đứa con út, một mình nuôi bốn người con ăn học bằng nghề chèo đò, dì Huỳnh Thị Hường (65 Ngô Trí Hòa, phường Nại Hiên Đông) vẫn còn nhớ như in những năm tháng vất vả ngược xuôi trên dòng sông Hàn. Mắt đăm đăm nhìn ra nơi xa xăm nào đó, dì Hường kể: “Chú bị bệnh mấy chục năm ni, có nhiều lúc khổ quá, dì cũng ráng chớ biết răng. Hồi xưa còn ở nhà chồ, nắng mưa lo thắc thỏm mà làm nghề chèo đò thì lấy đâu ra tiền để xây nhà trên bờ.
Bây chừ con cái đã có vợ có chồng, dì mới xây được mái nhà để ở, cũng bớt khổ hơn nhiều chị em chèo đò khác. Đoàn ghe đò mưu sinh ở đây đa phần là chị em nghèo, nhiều người chồng nhậu say cả ngày, kể ra có chồng cũng như không có”. Tiếng thở dài của dì Hường nghe như tiếng lòng trăn trở của những “phận má hồng” suốt ngày lầm lũi bên con đò nhỏ mưu sinh mà quên đi thời gian đã làm phai tàn nhan sắc.
Vừa chở xong hai chuyến ghe cá cho chủ tàu, mặt nhễ nhại mồ hôi, bà Thám (KCC Làng cá Nại Hiên Đông) cho ghe đậu dưới gầm cầu cảng để tránh cái nắng gay gắt của mùa hè. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, làm nghề chèo đò hơn 40 năm, bà Thám được xem là tay lái đò “kỳ cựu” nhất ở đây. Chồng bỏ đi theo vợ khác, một mình bà nuôi hai con, có những lúc rơi vào đường cùng nhưng bà cũng cố gắng vượt qua số phận trớ trêu. Bây giờ, các con đã lập gia đình nhưng bà vẫn không thôi cái nghề bấp bênh theo sông nước. Bà Thám kể, 40 ghe đò hành nghề ở bến Thọ Quang thì có đến phân nửa là phụ nữ đơn thân, nhiều người chồng chết sớm hoặc bỏ đi, phải một mình bươn chải với con đò nhỏ để nuôi con mà không một lời than trách. Tiền đò không đủ, nhiều người còn tranh thủ những lúc đò rỗi vớt chai nhựa, vỏ lon trôi nổi trên mặt sông để kiếm thêm thu nhập đắp đổi qua ngày.
Mùa nắng thì không nói nhưng nghề chèo đò sợ nhất là khi trời rét, chèo xong ghe cá cho chủ tàu mà tay run cầm cập, mặt tái xanh vì gió mưa. Mùa mưa, biển động, tàu ít ra vào bến, người qua sông cũng vắng nên thu nhập của chị em đoàn đò giảm hẳn. Những tháng mùa mưa khó khăn nhưng những người phụ nữ làm nghề chèo đò nơi đây vẫn “chia ngọt sẻ bùi” với nhau như chị em ruột thịt. Đoàn ghe đò Thọ Quang có sự phân chia “khu vực” rạch ròi để khỏi mất lòng nhau, người chở cá vụn, người chở cá lớn, người chở cá cho tàu Đà Nẵng, người chở cá cho tàu Bình Định…
Ai cũng có mối lái quen của mình nên trên bến cá không hề xảy ra xô xát, cãi vã, giành giật nhau. Những ai nghèo, ai khổ thì luôn được người khác nhường cho một hai chuyến đò để chở, có thêm đồng ra đồng vào lo cho chồng con. Thường thì có ba bốn chiếc đò kèm cặp nhau đậu một chỗ, hễ nghe tiếng gọi đò thì các dì, các cô nhường cho người khổ hơn hoặc cùng nhau chở cá cho một chủ tàu. “Ở đây ai cũng nghèo cũng khổ, chị em thương nhau không hết.
Cũng là phận đàn bà với nhau, bám ở đây mưu sinh mấy chục năm rồi nên coi như người trong nhà, buồn vui có chị có em để quên đi cái mệt cái khổ”, dì Đinh Thị Hiền (KCC Làng cá Nại Hiên Đông) trải lòng. Làm nghề chèo đò đã mấy mươi năm rồi, nhà trong diện giải tỏa từ năm 1998 nhưng đến nay dì Hiền mới xin được chung cư ra ở riêng.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như dì Hiền khi nhiều phụ nữ đơn thân ở đoàn ghe đò này vẫn không có một mái nhà để đi đi về về. Chồng bị tai nạn qua đời, “thân cò” nuôi ba người con ăn học, dì Nguyễn Thị Đây (nhà 1C, KCC Làng cá Nại Hiên Đông) bao năm nay vẫn phải ở cùng với cha mẹ trong căn chung cư nhỏ. Dạo gần đây, hay xảy ra chuyện “đụng chén đụng bát” với người thân trong nhà nên dì Đây phải che đỡ mái nhà gần KCC để ở. “Mấy năm trước có bão nên ghe bị bể, dì phải vay mượn tiền để mua chiếc ghe khác chở đò, rồi trả lần mới xong.
Dì chỉ mong thành phố xem xét cho dì thuê được chung cư để con cái có chỗ ở chỗ học đường hoàng. Chứ mấy năm nay dì đem đơn đi miết mà vẫn chưa được”, dì Đây lau vội dòng nước mắt vừa chực lăn xuống đôi gò má hốc hác. Người đàn bà vừa mới bước qua tuổi 50 nhưng tóc đã bạc trắng, răng rụng gần hết vì cái cực cái nghèo đeo bám mãi.
Tiếng gọi đò làm ngắt quãng câu chuyện buồn của dì Đây. Đội vội chiếc nón trắng, dì nhanh tay quặt mái chèo để cho ghe vào bờ chở khách. Nhìn tấm thân gầy guộc, đôi mắt thâm sâu vì nhiều đêm mất ngủ của dì Đây, tôi cứ thấy thương mãi những con đò nhỏ cô đơn trên bến sông dài rộng. Nghe một câu nói vui của một chị đò ở bên kia cất lên: “Chèo đò khổ lắm ai ơi. Chồng chê, chồng bỏ, một mình cô đơn”, thấy da diết cả cõi lòng.
Rời Cảng cá Thọ Quang khi bến đã dần tan nhưng tiếng gọi “đò ơi” vẫn khắc khoải trong lòng tôi một nỗi niềm khó tả. Xa xa, những chiếc đò chòng chành trên sông nước, những chiếc nón trắng chao nghiêng lấp lánh cả mặt sông. Dù cuộc đời có những lúc “ba chìm bảy nổi” nhưng những người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn vươn lên trong cuộc sống bằng cả nghị lực phi thường.
HOÀNG HÂN