Phóng sự - Ký sự

Từ núi Sam đến Sơn Trà

15:02, 25/03/2017 (GMT+7)

Chuyến thăm mộ danh thần Thoại Ngọc Hầu, một người con của làng An Hải (quận Sơn Trà) có công khai phá vùng đất Tây Nam Bộ, đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Những di sản văn hóa tinh thần của ông về ý chí và óc sáng tạo trong khai hoang lập ấp, phát triển kinh tế, bảo vệ biên thùy đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi nghĩ về sự phát triển của quê hương ông.

Đền thờ Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. 		    (Ảnh tư liệu)
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. (Ảnh tư liệu)

1. Cuối năm 2016, chúng tôi có dịp tham quan khu di tích Thoại Ngọc Hầu ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Lăng Thoại Ngọc Hầu còn được gọi là Sơn Lăng, nằm ngay dưới chân núi Sam, nơi ông đã cho mở đường từ Châu Đốc lên núi Sam. Chia sẻ với chúng tôi, anh Thanh Tiến, phóng viên Báo An Giang cho biết: “Với công lao to lớn trong việc khai phá và trấn giữ An Giang, ông được người dân nơi đây tôn thờ và biết ơn sâu sắc.

Với sự cai quản của mình, ông đã tập hợp lưu dân, khai sơn khẩn đất, phát triển nông nghiệp. Những vùng hoang hóa, thâm sơn cùng cốc không người lui tới trở thành vùng ruộng đất tươi tốt, màu mỡ và thu hút người dân tập trung về làm ăn, sinh sống sung túc”.

Từ núi Sam, nhìn về thành phố Châu Đốc mới thấy công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu trong việc khai phá vùng đất Nam bộ này. Ông không chỉ là người đầu tiên khai khẩn đất hoang hóa, cải tạo đồng hoang thành làng mạc mà còn cho xây dựng nhiều đình chùa ở tỉnh Vĩnh Long và An Giang.

Năm 1822, ông đặt dinh Bảo hộ tại Châu Đốc, rồi lập làng Thoại Sơn và dựng bia Thoại Sơn. Sau đó, ông lập đội quân Châu Đốc và đội quân mang tên An Hải - tên làng ở quê hương ông để trấn giữ xứ Hà Tiên. Nhờ công lao của ông, đã hình thành và phát triển vùng đất phía Tây Nam, đồng thời bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.

Nổi bật nhất là việc tiến hành đào hai con kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà dài trên 100km từ An Giang ra tận Biển Tây, tạo thành tuyến thủy lộ nội địa quan trọng để vận chuyển hàng hóa, giúp dân đi lại dễ dàng, giao thương mua bán, chấm dứt tình trạng đi vòng bằng đường biển, đặc biệt là bảo đảm quốc phòng – an ninh và phát triển du lịch.

Một góc Sơn Trà ngày nay. 						                     Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Một góc Sơn Trà ngày nay. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

2. Câu chuyện mở mang bờ cõi, giữ biên thùy và phát triển kinh tế ở An Giang của danh thần Thoại Ngọc Hầu khiến tôi liên tưởng về vùng đất Sơn Trà, quê hương ông. Bởi Sơn Trà cũng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh ở cửa ngõ phía đông của thành phố Đà Nẵng và cả nước.

Nơi đây có một hải cảng sâu, tàu chiến có thể ra vào dễ dàng. Chính vì vị trí quan trọng này mà vào rạng sáng 1-9-1858, không chờ quân triều đình nhà Nguyễn trả lời tối hậu thư, hạm đội Pháp đã nổ súng vào bán đảo Sơn Trà nhằm thực hiện ý đồ đánh chiếm nước ta và thu phục vương triều Nguyễn. Nếu chiếm được Đà Nẵng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực dân Pháp thực hiện kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” trong cuộc tấn công xâm lược Việt Nam.

Trong một cuộc trò chuyện mới đây khi tôi đến thăm đền thờ Thoại Ngọc Hầu ở làng An Hải, ông Phan Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Sơn Trà chia sẻ: “Cụ Nguyễn Văn Thoại không chỉ có công khai hoang lập ấp mà còn giữ được biên thùy và phát triển kinh tế ở Tây Nam Bộ. Người Sơn Trà ngày nay có thể học tập cụ điều này.

Về giữ vững biên thùy, chúng ta làm sao ổn định chính trị, giữ vững lòng dân để có tiềm lực vừa bảo vệ biên cương vừa xây dựng đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ để phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngày xưa cụ Nguyễn Văn Thoại phát triển kinh tế lúa nước thì nay, Sơn Trà đổi mới tư duy quản lý kinh tế, quản lý xã hội để phục vụ tối đa cho sự phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế biển. Muốn làm được điều này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải tự học và sáng tạo trong công việc như gần gũi và phục vụ tối đa cho doanh nhân, doanh nghiệp”.

Hiện Sơn Trà là quận có tiềm năng, lợi thế so sánh cao hơn hẳn các địa phương khác trên địa bàn thành phố về dịch vụ du lịch và kinh tế biển. Nơi đây vừa là trung tâm phát triển du lịch trọng điểm, kinh tế biển của thành phố, vừa giữ vị trí chiến lược quốc phòng-an ninh quan trọng. Những chia sẻ của ông Hải cũng phù hợp với đường hướng phát triển của quận Sơn Trà trong những năm tới khi quận đang triển khai thực hiện quyết liệt hai đề án và một kế hoạch nhằm cụ thể hóa thực hiện 3 đột phá theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 5 Đảng bộ quận.

Đó là đề án nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện trên địa bàn quận Sơn Trà giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; đề án nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quận Sơn Trà đến năm 2020 và những năm tiếp theo; kế hoạch tổ chức thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn quận Sơn Trà giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, hiện nay, quận ra sức huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Kết Luận số 89-KL/TU, ngày 19-1-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “xây dựng, phát triển quận Sơn Trà trở thành đô thị hiện đại, là trọng điểm du lịch, dịch vụ và kinh tế biển của thành phố”.

3. Còn nhớ vào dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh của danh thần Thoại Ngọc Hầu (1761-2016) và 15 năm kết nghĩa giữa huyện Thoại Sơn (An Giang) và quận Sơn Trà (Đà Nẵng) vào năm 2016, bà Lê Kim Bình, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp của danh thần Thoại Ngọc Hầu đã để lại cho đời sau những di sản văn hóa tinh thần vô giá, đó là tinh thần lao động quên mình, nặng tình, nặng nghĩa với quê hương; đó là ý chí mạo hiểm và óc sáng tạo dám nghĩ dám làm; đó là lòng nhân ái với dân binh, với đồng bào.

Nhân dân Thoại Sơn từ xưa đến nay vẫn một mực tôn kính ông như một vị thánh, vị tiền hiền của làng Thoại Sơn xưa và huyện Thoại Sơn ngày nay.

Đã gần hai thế kỷ trôi qua nhưng công lao to lớn của cụ Nguyễn Văn Thoại để lại cho vùng đất An Giang đã trở thành chiếc cầu nối gắn kết hai địa phương Thoại Sơn và Sơn Trà gần nhau hơn. Đó không chỉ là sự trao đổi, giao lưu văn hóa truyền thống mà còn học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế trên tinh thần yêu nước của cụ Thoại Ngọc Hầu.

Đánh dấu 15 năm kết nghĩa, quận Sơn Trà giúp huyện Thoại Sơn xây dựng lại cầu Bảy Thưa, thuộc ấp Bắc Sơn, thị trấn Núi Sập trị giá 200 triệu đồng và lấy tên “cầu Sơn Trà”. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đánh dấu sự gắn kết nghĩa tình giữa 2 địa phương Thoại Sơn và Sơn Trà mà còn làm động lực phát triển kinh tế cho 2 huyện Thoại Sơn và Vĩnh Thạnh. Nói về tình hữu nghị và sự phát triển của hai địa phương trong thời gian tới, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà khẳng định:

“Quan hệ kết nghĩa giữa hai địa phương trong 15 năm qua sẽ được phát huy và phát triển lên một tầm cao mới. Những dự định của chúng ta sẽ sớm trở thành hiện thực sinh động trong tương lai không xa, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương Thoại Sơn và Sơn Trà ngày càng phồn vinh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Thoại Sơn và Sơn Trà như tâm nguyện và mục tiêu mà cả đời danh thần Thoại Ngọc Hầu đã cống hiến”.

ĐOÀN LƯƠNG

.