Thời sự và bàn luận

29-3, nhớ lại và nghĩ tới

14:24, 30/03/2008 (GMT+7)

Từ khi đất nước trọn niềm vui, ngày 29-3 mỗi năm đều được kỷ niệm với những sự kiện ghi dấu một chặng đường phát triển của Quảng Nam - Đà Nẵng.

29-3-1977, tiếng nổ của 29 quả mìn lớn trên đèo Tư Yên chính thức khởi động công trình đại thủy nông Phú Ninh, công trình xã hội chủ nghĩa lớn đầu tiên ở vùng đất khô cằn nghèo thiếu Nam Quảng Nam, đưa hơn 20.000 ha lúa một vụ bấp bênh thành những cánh đồng cao sản hai và ba vụ ăn chắc. Hồ chứa Phú Ninh với 350 triệu m3 nước làm nên một vùng tiểu khí hậu mát lành, một điểm nuôi cá nước ngọt lớn nhất tỉnh, một cảnh quan du lịch sơn thủy hữu tình và ở đây có một nhà máy thủy điện.

29-3-1979, giữa lúc tiếng súng vang trên bầu trời biên giới giục toàn dân ta tiến vào cuộc chiến đấu mới, lễ chặn dòng sông Tam Kỳ (của công trình Phú Ninh) đã diễn ra rất hoành tráng, khẳng định công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất của đất Quảng anh hùng đã thắng lợi.

29-3-1980, kỷ niệm 5 năm ngày quê hương giải phóng cũng là lúc Quảng Nam - Đà Nẵng tuyên bố đã đạt được chỉ tiêu 50 vạn tấn, tự trang trải nhu cầu lương thực và cơ bản đã hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp với những ngọn cờ Đại Nghĩa, Điện Thọ, Duy Phước. Quảng Nam - Đà Nẵng đã  chuyển chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sáng tạo xây dựng đất nước, đồng thời  cũng ghi dấu ấn của một thời nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

Năm 1985, cả Đà Nẵng và Quảng Nam tưng bừng kỷ niệm 10 năm ngày 29-3 với hai công trình làm nức lòng người: Nhà hát Trưng Vương và Trung tâm Thương mại chợ Cồn. Không thể hình dung hết những khó khăn đã phải vượt qua để có các công trình này. Sắt thép, xi-măng, gỗ nhóm 1, những vật tư Nhà nước đang quản, công trình được ưu tiên. Nhưng cần một số tấm cách âm bằng sợi thủy tinh thì phải mua loại đã qua sử dụng ở các  quán cà-phê, bar về sơn phết lại. Nhà hát được dành một khoản đôla trong quỹ ngoại tệ ít ỏi của tỉnh để nhập một dàn máy lạnh, nhưng việc xin giấy phép rồi mua về, lắp đặt gặp vô số những cản ngại vô lý. Anh Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh nhiều lần nói vui với Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin: “Ông phải mua mấy nghìn cái quạt giấy phát cho mỗi khán giả”.

Chúng ta bây giờ và mai đây vẫn trân trọng, tự hào về những thành tích, những sự kiện gắn với ngày 29-3 các năm ấy dù còn đó nhiều thô vụng và nay đã lỗi thời. Nhớ về những ngày ấy, chúng ta càng ngộ ra thật sâu sắc: đổi mới xóa bỏ cơ chế, kìm hãm đã phát huy mọi năng động, sáng tạo để Đà Nẵng có thể tổ chức các sự kiện, làm nên các kỳ tích mà cách đây không lâu chúng ta không thể hình dung nổi.

Những ngày cả thành phố chạy ăn từng bữa toát mồ hôi ấy, chúng ta tin là sẽ có ngày no đủ nhưng chúng ta không thể ngờ ngày 29-3 năm nay Đà Nẵng sẽ mời toàn dân và bạn bè thưởng thức một bữa đại tiệc pháo hoa ánh sáng huyền ảo, màu sắc rực rỡ, âm thanh quyến rũ, hoành tráng chưa từng có.

Trên bàn nghị sự của thành phố, một dự án xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường đang được khẩn trương xem xét. Vấn đề của đề án không phải là làm thế nào để lấp đầy các khu công nghiệp, là sớm xây dựng các resort 5 sao, các biệt thự cao cấp, các cao ốc hiện đại mà làm thế nào để diện tích cây xanh trên đầu người tăng gấp 5 lần hiện nay, 90% dân thành phố được sử dụng nước sạch và 90% nước thải (cả công nghiệp và sinh hoạt) được xử lý đúng chuẩn. Không phải là đói cho sạch, rách cho thơm (bởi có lẽ đói rách dễ sạch và thơm hơn!) mà là giàu có, văn minh. Đề án đưa ra chỉ tiêu GDP/người: 2.500 USD năm 2020. Một anh bạn kiến trúc sư Việt kiều cho biết một thành phố sinh thái khó chấp nhận công nhân đi làm bằng xe máy hoặc xe ô-tô đưa rước, họ sẽ đi bộ và đi xe đạp không phải vì thiếu tiền mà là để bảo đảm một cảnh quan, một không khí trong lành.

Bài toán khó là ở chỗ vẫn phát triển các khu công nghiệp (trong đó ưu tiên công nghệ cao) nhưng bố trí cư xá cho công nhân sao cho đạt yêu cầu trên.

Đà Nẵng đang nêu quyết tâm chuyển dịch cơ cấu sớm trở thành một thành phố du lịch, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Chỉ có 1.000 km2 phải bảo đảm giữ được diện tích rừng và diện tích cây xanh, cũng không thể thu hẹp hơn nữa diện tích đất nông nghiệp, không chỉ vì an toàn lương thực mà vì chuyện gì sẽ xảy ra với nông thôn, nông nghiệp, nông dân nếu đất cấy trồng đã chỉ còn ở ngưỡng nguy hiểm.

Nếu ở Vân Phong đang diễn ra cuộc tranh chấp giữa cảng và thép thì cuộc tranh chấp giữa công nghiệp và du lịch đã diễn ra ở Đà Nẵng mấy năm nay rồi. Thành phố đã từ chối những dự án công nghiệp cả tỷ đôla để tạo môi trường cho du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Một thành phố du lịch nhất thiết phải làm một thành phố thân thiện với môi trường, cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Nhiều người đến Đà Nẵng khen thành phố sạch, không có (có ít) rác, không kẹt xe, ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn, không có người lang thang xin ăn, v.v… Chúng ta không chủ quan, vẫn còn đó những mảng tối dù chỉ là phần nhỏ. Và điều chúng ta lo lắng hơn là để Đà Nẵng thực sự là thành phố du lịch, nguồn nhân lực đâu chỉ cần ngoại hình, ngoại ngữ, vi tính mà cái cần nhất là chất văn hóa gắn với tính chuyên nghiệp. Đồng thời điều này cũng không kém phần quan trọng: cùng với lực lượng chuyên nghiệp ấy, là mọi người Đà Nẵng đều thân thiện, lịch thiệp, đều ứng xử có văn hóa với nhau và với khách du lịch.

Ngày 29-3 mỗi năm là dịp để chúng ta nhớ lại và nghĩ tới.

Cùng cả nước, chúng ta phấn đấu hết mình vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để Đà Nẵng, mỗi người và mọi nhà đều làm ra, có thêm nhiều giá trị gia tăng, đều thật sự giàu có.

Và không làm giàu với mọi giá, chúng ta làm giàu bằng cách của mình, trên mảnh đất của mình.

Phải chăng quyết liệt đưa Đà Nẵng thành thành phố môi trường, thành phố du lịch là con đường làm giàu, con đường phát triển bền vững của Đà Nẵng.

NGUYỄN ĐÌNH AN



 

.