Dù ở thời đại nào thì tuổi thơ vẫn luôn được coi là những thiên thần, bởi lẽ đó là lứa tuổi duy nhất trong cuộc đời có đủ sự hồn nhiên, trong trắng, vô tư. Bảo vệ và gìn giữ tính cách thiên phú đó là trách nhiệm chung của các bậc làm cha, làm mẹ và của toàn xã hội. Thế nhưng, trong “Dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi” vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra góp ý mới đây, lại thấy một tình trạng ngược chiều hoàn toàn.
Đọc kỹ bộ chuẩn với 29 “chuẩn”, 125 tiêu chí trên; điều đầu tiên có thể nhận thấy rất rõ ràng là Bộ GD-ĐT là bậc thầy về cách chơi chữ. Chẳng hạn những câu siêu “chơi chữ” như thế này thì không một ai không giật mình: “Biết tìm cách giải quyết mâu thuẫn”, “Chấp nhận sự phân công của nhóm”. Hoặc cụ thể hơn trong chuẩn 12: “Biết được hành động (hoặc việc làm) của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào”; chuẩn 13: “Nhận ra sự không công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng”; chuẩn 16: “Biết điều chỉnh giọng nói (giọng điệu và tốc độ) phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp”...
Những tác giả của bộ chuẩn đã bao giờ tự hỏi chính mình rằng, mình đã biết “giải quyết mâu thuẫn” vào thời điểm nào trong cuộc đời? Một đứa trẻ lên 5 mà có năng lực đó, thì phải đạt đến tầm cỡ thiên tài. Mục tiêu mơ hồ của bộ chuẩn còn đi xa hơn nữa khi áp đặt cho trẻ biết điều chỉnh giọng nói, biết tạo lại sự công bằng, biết hành động của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào...
Nếu thống kê toàn diện ngành giáo dục (ngành “nói” giỏi nhất trong các ngành), chỉ có khoảng vài phần trăm giáo viên biết cách điều chỉnh giọng nói phù hợp với hoàn cảnh, ngữ điệu. Hành xử theo đúng cương vị; nói năng, ăn mặc cho đúng với hoàn cảnh; điều tiết âm lượng phù hợp với nội dung của vấn đề và đối tượng, như người La Mã cổ xưa đã nói, là Noblis Oblig. Chẳng lẽ chúng ta cố tình biến lứa tuổi thiên thần thành những người già theo cách nghĩ ảo tưởng của chính chúng ta? Mặt khác, phải kiên quyết từ bỏ cách giáo dục áp đặt, kìm hãm sáng tạo, kìm hãm năng lực bộc lộ ý kiến cá nhân như lâu nay đã làm.
“Chấp nhận sự phân công của nhóm” có nghĩa là phủ định gần như hoàn toàn tư duy độc lập. Không phải bao giờ tập thể cũng đúng và nếu ngay từ lúc 5 tuổi, không cho trẻ phát triển tính cách độc lập có nghĩa là không bao giờ!
Những điều trẻ không thể và không nên làm trên đây còn được “gia cố” thêm bằng các tiêu chí không tưởng, ngay cả không ít người lớn cũng... không làm được. Chẳng hạn chạy 150 mét liên tục không nghỉ, đi giật lùi 5 mét theo đường thẳng...
Đừng biến những đứa trẻ thành ông cụ non, bà cụ non khi chúng chưa hiểu thế nào là cuộc đời, khi chỉ vừa mới chập chững làm quen với cuộc đời. Hãy cho trẻ thơ vui chơi, bởi đó là lứa tuổi duy nhất có quyền vô tư vui chơi trước khi phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt sau này.
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Cụ non 5 tuổi
Thứ Ba, 17/02/2009, 07:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.