Hôm qua, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên (SV) Việt Nam lần thứ VIII vừa được tổ chức. 850 đại biểu (trong đó có 647 đại biểu chính thức), thay mặt cho gần 2 triệu SV của 390 trường ĐH, CĐ cả nước đã về tham dự. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của kỳ đại hội này là tìm ra những giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để “kích cầu tài năng”, sao cho SV học tập và sáng tạo mạnh mẽ hơn, đóng góp được nhiều hơn nữa sức lực và trí tuệ của mình trong công cuộc dựng xây đất nước.
Phải ghi nhận rằng, trong thời gian qua, sinh viên đã có những cống hiến to lớn cho đất nước về tài năng, ý chí vươn lên cũng như các hoạt động xã hội như “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”... Tuy nhiên, một thực tế khác cũng chỉ ra rằng một bộ phận lớn SV dường như vẫn đang đứng bên lề của phát triển; thậm chí còn buông thả mình trong lối sống thử, sống gấp, cá độ bóng đá, đánh đề, học hành đối phó...
Giải pháp nào cần thiết cho sự thay đổi vị trí, vai trò của SV?
Trước hết, phải nhất thiết quan niệm rằng “kinh tế tri thức” là hình thái chủ yếu của thời đại. Nó vừa là nguyên tắc, mục đích đồng thời vừa là quy luật phát triển của xã hội loài người. Nếu không nhận thức rõ, có biện pháp đúng và đủ về vấn đề trên thì sự tụt hậu, nghèo nàn của một quốc gia là điều khó tránh khỏi. Một trong những giải pháp chiến lược để có được nền kinh tế tri thức là phải chăm lo ngay từ bây giờ việc ươm trồng tài năng, phát triển tài năng; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho môi trường học tập và đào tạo bởi SV hôm nay sẽ là người chủ đích thực của xã hội ngày mai.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao SV
Việt Nam lâu nay chưa phát huy được sức mạnh của nó trong vai trò như là một trong những “đầu tàu” để phát triển văn hóa, xã hội? Chẳng hạn, sự xuống cấp văn hóa trầm trọng trong thời gian qua, tác nhân đáng kể nhất là do nhà trường chưa trở thành những trung tâm, động lực của văn hóa. Nạn nói tục, sự thờ ơ trước các hành vi xấu, lối sống “thử”, mặc cảm tách biệt với xã hội, ít tham gia các hoạt động xã hội đã làm cho SV trở thành đại biểu của “tri thức im lặng”, “bánh xe thứ năm”.
“Người lớn” luôn coi họ là những đứa trẻ, không cho họ cơ hội để thể hiện năng lực của chính mình. Mặt khác, chúng ta luôn kêu gọi SV sáng tạo nhưng lối truyền đạt kiến thức giáo điều, thụ động đã mài mòn và làm xơ cứng dần dần khả năng sáng tạo. Người xưa nói, “kẻ yếu chờ cơ hội, kẻ mạnh tạo ra cơ hội, người giỏi nắm chắc nó và người dốt nát để tuột mất nó”.
SV chỉ trở thành “kẻ mạnh” khi “người lớn” trao đủ cho họ mọi cơ hội phát triển. Nếu học trò không dám phản bác thầy, không dám phê phán những điều sai ngay cả trong sách giáo khoa thì làm sao có thể phát minh, sáng tạo? Chương trình học nặng nề, bất cập; thậm chí hầu như không có ngành đào tạo nào ở trường đại học không có các môn học vô bổ thì làm sao có thể tạo nên thích thú trong học tập? Cách đây gần 200 năm, khi thành lập Trường Đại học Tổng hợp Virginia, cựu TT Mỹ Thomas Jefferson đã nói rằng, ông mong muốn cho sinh viên được học những gì họ thích và không phải học những gì họ không thích.
Chính vì thế, Jefferson đã phát minh ra môn học tự chọn, đào tạo theo tín chỉ. Bây giờ nền giáo dục nước ta đang đi theo mô hình đó nhưng thật ra chỉ là hình thức, vì muốn chọn cũng không có khi một môn học chỉ có hai giáo viên, muốn tín chỉ đúng nghĩa thì thiếu... đủ thứ! Sách, giáo trình, các phương tiện, dụng cụ hỗ trợ khác đều chắp vá, tạm bợ. Báo chí cho biết thư viện của một trường cao đẳng có... 27 đầu sách thì làm sao mà học tốt cho nổi?
Mặt khác, nếu bồi dưỡng tài năng mà chỉ lo phần ngọn (trường đại học) mà quên mất phần gốc (trường phổ thông) thì quả là bất cập. Muốn có tài năng thực sự, phải chăm lo ươm trồng nó ngay từ cấp học đầu tiên. Bài học mới đây từ Đại học Đà Nẵng là một dẫn chứng điển hình. Ngày 12-2-2009, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã ký quyết định thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh thi ĐH đạt điểm cao. Theo đó, trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới, nếu thí sinh nào đạt 27 điểm/3môn trở lên sẽ được miễn học phí năm thứ nhất, được ưu tiên vào ký túc xá miễn phí, được cấp học bổng và được quyền chọn bất cứ ngành học nào trong khối thi của mình.
Rõ ràng, những liệu pháp “kích cầu tài năng” đó sẽ hiệu quả, vì rất nhiều học sinh phổ thông (nhất là học sinh nghèo) sẽ nỗ lực hết mình vì sẽ được nhận những phần thưởng xứng đáng cho công sức và tài năng của họ. Động lực học được nhân đôi, nhân ba. Tất nhiên, ĐH Đà Nẵng sẽ thu hút được rất nhiều “con rồng” vào trường, qua cuộc thi “vượt vũ môn” của những con “cá chép vàng” được tạo cho cơ hội và thách thức.
Nếu coi SV chỉ là những “mầm non” hoặc “trứng chưa khôn hơn...”, là chưa đủ. Đã tốt nghiệp THPT là chính thức trở thành công dân. Hãy coi SV là những công dân trẻ có quyền cống hiến, đóng góp vào sự thay đổi và phát triển. Nếu không đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ theo đúng nghĩa của nó; không giúp họ tạo nên cơ hội; không cho họ bộc lộ sự sáng tạo (có thể chấp nhận cả sai lầm) thì đất nước trông chờ vào nguồn lực và điểm sáng đáng kể nào trong một tương lai đầy thách thức, đã đến rất gần?
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Sinh viên và thời đại
Thứ Hai, 16/02/2009, 08:15 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.