Năm 2009 được Đà Nẵng chọn là “Năm văn minh đô thị”. Thế nhưng, thời gian gần đây, trên Báo Đà Nẵng và một số tờ báo khác, liên tục có những bài viết về tình trạng xâm hại văn hóa, coi thường cuộc sống của cộng đồng mà điển hình là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xả rác bừa bãi trên các bãi biển, bò thả rông trên đường phố. Mới nhất là chuyện đập nhà cũ tạo ra vô số cát, bụi, tiếng ồn…, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong khi thiếu luật hoặc do luật bất cập, nên chăng chính quyền thành phố cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về việc xây dựng văn hóa đô thị.
Trước hết, văn hóa, từ nguyên khởi theo tiếng Hy Lạp cổ là Culture - “canh tác, gieo trồng”; tức là tác động của con người làm thay đổi tự nhiên và xã hội (có thể liên hệ với từ: Nông nghiệp =Agriculture. Từ này có hai thành tố là “agri” (đất) và “culture” - canh tác). Như vậy, cho dù đang có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa thì, hiểu theo nghĩa chung nhất của cụm từ này, văn hóa là hệ thống tổng thể những giá trị biểu trưng (ký hiệu, tín hiệu = signal), quy định cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng, làm cho cộng đồng đó có đặc thù riêng. Như vậy, thói quen, cách ứng xử phổ biến của người dân trong một cộng đồng chính là văn hóa sống, mà nếu không có nó, sẽ không thể nào thiết lập được một xã hội văn minh.
Dĩ nhiên, di truyền văn hóa là công việc khó khăn, nặng nhọc, lâu dài. Chẳng hạn, để thay đổi thói quen vất rác ra đường phải giáo dục cho trẻ từ nhỏ, phải cưỡng chế người lớn bằng những xử phạt nghiêm khắc. Tại sao không đề ra những quy định cụ thể mà xã hội văn minh nào cũng có như: Tiếng ồn tối đa trong từng thời điểm cụ thể của một ngày mà cá nhân hay gia đình, tập thể tạo ra là bao nhiêu đề-xi-ben? Để vật nuôi chạy rông trên đường mức phạt là bao nhiêu? Dỡ bỏ nhà cũ trong thành phố mà không tưới đủ nước để giảm thiểu bụi đến mức thấp nhất, mức phạt ra sao? Làm thế nào để ngăn chặn nạn lấn chiếm vỉa hè để xóa bỏ tình trạng bắt cóc bỏ đĩa như lâu nay?...
Những biện pháp và chế tài đó, muốn có hiệu quả phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Thứ nhất, nó phải hợp lòng dân. Ví dụ, nếu có thể, vẫn cho phép buôn bán trên một số vỉa hè nhất định để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Còn nếu không thể không cấm thì phải tạo ra một môi trường khác, địa điểm khác cho người dân kiếm sống.
Thứ hai, mọi quy định nhằm “thiết lập lại trật tự văn hóa đô thị” phải được thực thi chính xác, nghiêm khắc. Chừng nào vẫn tồn tại “văn hóa thông cảm”, “ứng xử nhẹ tay” thì chừng đó vẫn tạo ra nguy cơ vô hiệu hóa các chính sách hiện hành. Thứ ba, trường học là chủ thể quan trọng nhất của việc “di truyền” văn hóa. Đà Nẵng chỉ tạo nên được “đặc thù riêng” văn hóa của mình sau 10 - 20 năm nữa nếu ngay từ bây giờ đặt ra mục tiêu dạy cho trẻ lớp 1 những nền tảng, kiến thức bắt buộc về văn hóa.
Bên cạnh một số biện pháp trên, việc mở rộng đường phố, cấm buôn bán bất hợp pháp, sự tận tụy của chính quyền tổ, phường…, phải được phối hợp và thực hiện đồng bộ. Chẳng hạn, Phòng CSGT cần phải rà soát lại tất cả ngã ba, ngã tư để qua đó, chỗ nào cho phép rẽ phải hay đi thẳng được khi có đèn đỏ; sẽ có tác dụng rất lớn về trật tự đô thị, tiết kiệm thời gian…
Ai đã từng đến Singapore đều mãi tấm tắc về “huyền thoại” một nhà nước – thành phố (city-state) không bụi, không rác. Tại sao người ta làm được mà chúng ta không có quyền ước mơ, bắt tay vào để hiện thực hóa giấc mơ “khó mà dễ” đó? Cái “vô hình” của văn hóa, thực ra lại rất cụ thể trong cuộc sống, mỗi ngày. Nếu Đà Nẵng thành công về tạo nên môi trường xanh, sạch, đẹp của văn hóa đô thị thì chắc chắn rằng đó là thành tựu lớn nhất, đáng tự hào nhất cho dù sau này có nhiều công trình to lớn nào đi nữa. Bởi, văn hóa là thành tựu vĩ đại nhất của loài người.
KHÁNH CHI
.
.
Văn hóa đô thị
Thứ Năm, 23/07/2009, 08:14 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.