Năm 1919, một trong những phong trào yêu nước mang xu hướng dân chủ hóa của nhân dân ta đã nổ ra sớm và mạnh mẽ là phong trào “Chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa”. 90 năm sau, tính chất, mục tiêu của tinh thần ấy đã khác rất nhiều nhưng về cơ bản, nội dung chính yếu của nó vẫn không thay đổi:
Người Việt Nam nên dùng hàng Việt Nam, mua hàng Việt Nam là thể hiện tinh thần yêu nước trường tồn, mãnh liệt. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát động về việc khuyến khích người tiêu dùng mua hàng do người Việt Nam sản xuất, vừa được phổ biến đã đáp ứng mong mỏi thiết tha ấy của hàng triệu con người…
Trước hết, phải xác định rõ rằng mua hàng Việt Nam không có nghĩa là bài trừ hàng ngoại hóa như cách đây 90 năm, bởi vì đất nước ta đã là thành viên của WTO; tức là coi việc cạnh tranh công bằng, rõ ràng với tất cả những hàng hóa do các nước thành viên sản xuất là vấn đề nguyên tắc. Nguyên tắc này được hiểu theo nghĩa giản dị nhất:
Những hàng hóa cùng chủng loại, chất lượng, giá cả thì người Việt Nam nên mua và sử dụng phổ biến những mặt hàng do chính mình sản xuất. Chúng ta không kỳ thị, không bài xích bất kỳ loại hàng hóa nào của bất cứ quốc gia nào cho dù theo lẽ tự nhiên, tình cảm của con người đối với văn hóa, cách ứng xử khác biệt là rất quan trọng khi quyết định bỏ đồng tiền ra để nhận về những giá trị mà mình yêu thích.
Tiêu dùng theo cách ấy là góp phần bảo đảm công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động, đồng thời giúp đất nước vượt nhanh ra khỏi khủng hoảng toàn cầu, phục hồi và tăng cường sức cạnh tranh cũng như thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam. Các nghiên cứu kinh tế tiêu dùng trên thế giới cho biết rằng thói quen tiêu dùng là yếu tố số một quyết định đến khả năng tăng thị phần nhanh dần đều của hàng hóa.
Thứ hai, hơn lúc nào hết, mỗi doanh nhân Việt Nam cần phải hiểu rằng đây là thách thức – cơ hội để chứng tỏ khả năng và sự thu hút của chính mình bằng nội lực tự nhiên, công bằng và sòng phẳng. Nâng cao chất lượng hàng hóa để cho người tiêu dùng hài lòng vì chính giá trị của hàng hóa ấy chứ không phải vì tình cảm, hay động viên là cách tốt nhất để giành lại thị trường, tạo nên niềm tin và sự hài lòng của thị trường nội địa.
Thứ ba, bất cứ một cuộc vận động nào cũng dễ tạo nên những phản ứng ngược chiều. Cần tránh những cách làm thái quá. Chẳng hạn, cạnh tranh công bằng không cho phép bất kỳ sự lạm dụng nào khi so sánh rằng hàng của mình tốt hơn mặt hàng A hay B nào đó cùng giá trị, tính năng. Cách làm ấy không những không có tác dụng tích cực mà thường là phản tác dụng, tạo nên sự nghi ngờ chính bản thân giá trị mà hàng hóa đó có.
Thứ tư, cần làm cho người tiêu dùng trong nước hiểu rõ tại sao mỗi chiếc áo chemise hay một gói tăm, chúng ta đủ khả năng sản xuất lại có tư tưởng sùng ngoại? Tại sao cũng là loại trái cây ấy, chất lượng không hơn kém nhau bao nhiêu nhưng nho của nước X, táo của nước Y lại “ngon hơn”; cho dù giá cả đắt hơn nhiều? Tại sao không tìm cách để chỉ ra cho người tiêu dùng biết, hầu như mọi mặt hàng bị nước ngoài chống bán phá giá đều là những mặt hàng có chất lượng và giá cả hợp lý… Rất, rất nhiều điều chúng ta “quên” – hay nói chính xác là đã thờ ơ, kém nhanh nhạy khi quảng bá những gì mình thực sự đã và đang có.
Thứ năm, để thực hiện tốt cuộc vận động này, cần tập trung lực lượng ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng nhập lậu cứ ùn ùn đổ vào nước ta. Đã đến lúc cần có chế tài mạnh hơn đối với mọi sự bao che, dung túng để thỏa mãn lợi ích cá nhân mà làm phương hại đến lợi ích chung của cả nước. Các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường phải được quán triệt sớm và đủ nhất về vai trò của họ. Có như thế mới tạo nên sự kích cầu trực tiếp đối với sự tăng trưởng của nền công nghiệp, nông nghiệp Việt Nam.
Chấn hưng nội hóa là nguyên tắc sống còn của mọi nền kinh tế. Để Cuộc vận động của Bộ Chính trị trở thành phương châm hành động của mọi người tiêu dùng, cần phải có được sự cộng hưởng rộng khắp trên cả nước.
Muốn thế, công tác tuyên truyền phải tổ chức rộng rãi, sát thực. Trước mắt, các hiệu sách, các trường học nên quảng bá rầm rộ chương trình mua sắm sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, cặp sách… học sinh khi năm học mới đang bắt đầu. Bên cạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thì những khẩu hiệu, băng-rôn kêu gọi việc mua hàng Việt Nam cần có ở các siêu thị, các chợ, cây xăng, nhà ga, bến xe...
KHÁNH CHI
.
.
Chấn hưng nội hóa
Thứ Ba, 18/08/2009, 07:37 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.