.

Nông dân - Đối tượng cần quan tâm

Bất cứ thời đại nào, nông dân đều phải lao động vất vả, cực nhọc nhưng mức sống luôn thấp hơn các thành phần khác trong xã hội. Quanh năm tảo tần một nắng hai sương làm ra hạt lúa, củ khoai, nông sản thiết yếu cung cấp cho xã hội, nhưng chính họ là những người cuối cùng thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Trong đời sống hằng ngày, họ chịu thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ, không chỉ vật chất mà cả về tinh thần. Họ ít khi được hưởng thụ những giá trị văn hóa vốn rất phong phú ở đô thị. Trong quá trình sản xuất và đời sống, họ là đối tượng chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây hại. Đó là chưa nói, sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường làm họ bao phen lao đao bởi mất mùa thì trắng tay, được mùa thì nông sản mất giá. Thời hội nhập, nông sản ngoại giá rẻ tràn ngập, sản phẩm họ làm ra không đủ sức cạnh tranh. Mặc dù rất nỗ lực lao động sản xuất, nhưng đời sống của nông dân chậm được cải thiện.

Tiêu chí của Hội Nông dân đối với hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lĩnh vực nông nghiệp đạt mức thu nhập 7 triệu đồng/người/năm với cấp xã, 8 triệu đồng/người/năm với cấp huyện và 9 triệu đồng cấp thành phố. Làm phép tính đơn giản, mỗi nhân khẩu của hộ SXKD giỏi cấp thành phố, thu nhập hơn 700 nghìn đồng/tháng.

Mức thu nhập này mới vượt qua ngưỡng nghèo chút ít và khó bảo đảm nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc sống với giá cả hiện nay. Chỉ tính riêng nhu cầu về ăn uống, mỗi ngày ít nhất cũng tiêu tốn 30 nghìn đồng/người. 30 ngày như vậy hết 900 nghìn đồng. Hộ được coi là thu nhập cao mỗi tháng thâm hụt 200 nghìn đồng/người để duy trì sự sống.
 
Và như vậy, hộ thu nhập thấp hơn, khó khăn túng thiếu biết chừng nào. Tuy vậy, số hộ đạt Nông dân SXKD giỏi cấp thành phố không nhiều. Trong số hơn 37 nghìn hộ hội viên chỉ có hơn 5.000 hộ đạt danh hiệu này. Từ đó cho thấy mức sống của người nông dân rất thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tính trạng lao động nông nghiệp bỏ ruộng vườn ra đô thị kiếm kế mưu sinh. 

Sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế thu nhập rất thấp. Hộ nông dân canh tác 1 ha lúa đã là “đại gia” ở nông thôn. Mỗi năm 2 vụ được mùa, 1ha họ thu hoạch 12 tấn thóc. Với giá 4.500 đồng/kg như hiện nay, trị giá 54 triệu đồng. Số tiền này trừ chi phí các khoản giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công làm đất, chăm bón, thu hoạch... hơn 80%. Và như vậy họ chỉ còn lãi khoảng 9 triệu đồng. Số tiền này trang trải chi tiêu cho gia đình 4 nhân khẩu/năm, quả là quá thấp.

Thu nhập thấp nhưng nông dân vẫn phải chi phí đủ thứ cho đời sống hằng ngày, có khi nuôi con học đại học. Và như vậy, quanh năm họ phải tằn tiện trong chi tiêu và gồng mình vượt qua cảnh túng thiếu. Không những vậy, họ còn phải đóng góp đủ thứ quỹ và trả tiền điện, nước với giá cao hơn ở khu vực đô thị.

Thời gian gần đây, Nhà nước đã quan tâm đến sản xuất, đời sống người nông dân bằng việc bỏ thuế đất nông nghiệp và thủy lợi phí. Tuy nhiên, họ vẫn là đối tượng ít nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Sau các đợt thiên tai bão lũ, thiệt hại của nông dân rất lớn, nhưng sự hỗ trợ từ trên đối với họ rất ít ỏi.
 
Trong tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, và mới đây đã có Nghị quyết về lĩnh vực này, nhưng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào đời sống nông thôn chưa nhiều. Ngay cả vốn vay ưu đãi lãi suất, nông dân vẫn không dễ gì tiếp cận.

Nâng cao đời sống cho người nông dân, thu hẹp khoảng cách về mức sống ở nông thôn với thành thị là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để chủ trương này thành hiện thực, điều quan trọng nhất là phải hiểu biết tường tận nông dân đang sống như thế nào và họ đang cần gì. Thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng nông thôn nhiều nơi mới chỉ hoàn thiện những thứ thiết yếu như điện-đường-trường-trạm, nhưng đời sống của mỗi gia đình còn quá khó khăn.

Không ít nơi người dân miền núi vẫn phải lội suối hoặc đi trên các cây cầu khỉ, điều kiện canh tác còn lệ thuộc vào thiên nhiên... Cứ nghĩ, tài sản lớn nhất của mỗi gia đình là ngôi nhà. Thế nhưng hàng nghìn hộ ở nông thôn vẫn chưa có được căn nhà đúng nghĩa. Thiết nghĩ, quan tâm đến đời sống, sản xuất của nông dân bằng các chủ trương, giải pháp cụ thể, tập trung vào những vấn đề cốt yếu, nhanh chóng giải tỏa khó khăn cho nông dân, nông thôn là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.