.

Xin đừng đánh vợ

Thường phụ nữ chỉ biết khóc khi chồng có hành vi bạo lực gia đình. Có thể họ khóc ầm ĩ, có thể họ nén tiếng khóc thành nỗi buồn riêng. Nhưng có lẽ, đó là giải pháp duy nhất mà các chị phải sử dụng (tuy chẳng mấy hiệu quả), khi mà tiếng nói để bênh vực cho những người đàn bà không may còn quá yếu ớt.

Mới hôm qua, mọi người đã chứng kiến cảnh một số người chồng từng đánh đập, uy hiếp tinh thần vợ, có mặt tại Hội trường UBND thành phố để nghe Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Bá Thanh nói chuyện về bình đẳng giới, về yêu cầu “Chương trình 3 có”, trong đó có nội dung xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; về tệ nạn bạo hành trong gia đình hiện nay và ký cam kết chấm dứt hành vi trên.

Nhiều người mừng cho các chị, vì từ nay đã có người đứng ra “trị” mấy ông chồng gia trưởng, hay dùng vũ lực trong việc giải quyết các quan hệ trong gia đình với vợ, con. Nhưng sao vẫn thấy có cái gì đó xót xa cho nghĩa vợ, tình chồng.

Chẳng lẽ, phải tới mức để chính quyền buộc ký cam kết cần thương yêu, trân trọng lấy người tay ấp má kề, người đi cùng tất cả buồn vui, hạnh phúc của cuộc đời mình? Tình thương, nếu do trái tim tự cam kết, chắc sẽ ấm áp và bền vững hơn nhiều.

Xót nhưng lại muốn cảm ơn lãnh đạo thành phố đã có tiếng nói đầy mạnh mẽ qua cuộc tiếp xúc trên. Ít ra, tiếng nói ấy sẽ khiến những ông chồng vũ phu giật mình, khi lâu nay lương tâm đã quên mất khả năng cắn rứt.

Lời hứa qua một mảnh giấy, chỉ là một trong vô vàn biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình. Người ta vẫn cho rằng kinh tế và học thức là những nhóm lý do chính của bạo lực gia đình. Túng tiền, gây gổ. Học ít, thiếu hiểu biết, hành xử không hay. Vậy chống bạo lực thì cần tập trung phát triển kinh tế và nâng cao trình độ văn hóa.

Nói vậy, nhưng cũng nghĩ lại. Biết bao trường hợp người giàu cũng khóc, hoặc học cao hiểu rộng, chức danh đầy mình vẫn đập vợ, đánh con, có người còn tán tận đánh cả mẹ đẻ ra mình, có khi vi phạm luật pháp rành rành mà không hề hay biết.

Ở đây, còn cần đặt ra một nguyên nhân nữa, đó là vai trò của pháp luật và các đoàn thể xã hội. Mà cụ thể là những người đại diện luật pháp để thực thi việc phòng, chống bạo lực gia đình. Đó là các cấp Hội Phụ nữ, Công an địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên…

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua cách đây hơn một năm. Theo đó, người có hành vi bạo lực sẽ nhận những hình phạt từ cấm tiếp xúc đến xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại, bị khiển trách trước cơ quan, đơn vị, v.v...

Công cụ pháp lý đã rõ, sao các cơ quan chức năng và người có trách nhiệm liên quan lại không sử dụng triệt để? Với cách giải quyết căn cứ theo quy định của pháp luật, ít ra người vi phạm sẽ nhận thức được một điều tưởng chừng đơn giản: không phải anh muốn làm gì thì làm! Nếu cứ tiếp tục chống bạo lực gia đình theo kiểu xuề xòa, còn người vợ lại sợ hãi chồng trả đũa thì đàn ông không có lý gì để không mặc nhiên phong mình là “phái mạnh”.

THU HOA

;
.
.
.
.
.