Hằng ngày trên các tuyến đường dẫn vào thành phố, vào các chợ, có rất nhiều xe máy chở rau quả, thực phẩm tươi sống chất hàng cao ngất nghểu chạy với tốc độ cao. Đập vào mắt người qua đường hình ảnh phản cảm là những chiếc xe thồ chở phía sau những con heo vừa mổ bị xả làm đôi còn đầy máu me cứ thế mà chạy vô tư giữa phố đông người qua lại.
Chiều thì chứng kiến cảnh những xe máy chở ít thì một, nhiều thì vài ba rọ heo thản nhiên đi lại giữa phố xá, vừa chạy vừa xả phân vung vãi khiến người đi đường lắc đầu, bịt mũi. Rồi thì xe thồ lặc lè với hàng trăm con gà, vịt vừa chạy vừa vãi lông đầy đường phố. Còn nữa, buổi sáng mỗi ngày, cánh xe thồ hàng thủy sản chở bạn hàng và chồng giỏ, thau chậu (đựng cá) từ cảng cá Thọ Quang tỏa ra các chợ từ nội đến ngoại thành... Không ít lần chúng tôi chứng kiến cảnh dây cột hàng đứt, cá đổ tung tóe đầy đường. Phiền cho người, xe qua lại, vừa chịu cảnh tắc đường, kẹt xe, vừa phải hít mùi tanh tưởi.
Tiếc rằng, tình trạng này chưa được cơ quan chức năng quan tâm, xử lý đúng mức. Nó đã và đang hiện hữu như một lẽ tự nhiên trong cuộc sống chúng ta.
Những hình ảnh vừa nêu có nên tồn tại trong một thành phố đang tập trung mọi nỗ lực nhằm xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nỗ lực xây dựng thành phố sạch? Tất nhiên, câu trả lời là không, bởi:
Thứ nhất, tuyệt đa số xe thồ chở rau quả, thực phẩm tươi sống như ta thường thấy là vi phạm những quy định về bảo đảm an toàn giao thông như chở hàng vượt quá quy định về khuôn khổ. Và chính sự vi phạm này đã gây ra không ít hệ lụy đối với người và phương tiện tham gia lưu thông. Trên cầu Sông Hàn đã xảy ra nhiều trường hợp tắc nghẽn giao thông mà nguyên nhân từ những xe thồ làm đổ cá, gây ra. Có trường hợp do bất cẩn, giỏ hàng vướng phải người đi bộ buổi sáng khiến người này ngã, chấn thương sọ não dẫn đến tử vong...
Thứ hai, những hình ảnh này gây phản cảm với người đi đường, nhất là đối với người từ các tỉnh, thành phố khác, khách du lịch quốc tế mỗi lần đến Đà Nẵng. Người ta không thể chấp nhận được cảnh các xe thồ chở cá, các rọ heo, các chuồng gà... lạng lách vượt qua những tốp học sinh trong buổi sáng đến trường. Nhiều vị khách đã tỏ thái độ khó chịu trước những hình ảnh nhếch nhác này tại thành phố năng động và bứt phá mà họ được nghe kể và biết đến.
Vẫn biết buôn bán là một nghề, đi xe thồ cũng là một nghề lương thiện phục vụ cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Nhưng trong một thành phố đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thì việc tìm phương thức vận chuyển hàng thực phẩm tươi sống, rau quả, động vật phù hợp với nếp sống mới là điều cần bàn.
Hưởng ứng Tháng An toàn giao thông năm 2009 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông”, thì việc tập trung chỉ đạo nhằm chấm dứt tình trạng xe thồ chở hàng trái với quy định của pháp luật giao thông, những yêu cầu xây dựng đô thị có văn hóa, văn minh cần được xác định là một nhiệm vụ cần làm.
Cùng với việc triển khai kế hoạch hành động Tháng ATGT, cần quan tâm tuyên truyền, vận động những người buôn bán, những người hành nghề xe thồ chở hàng chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cần có cách thức tổ chức vận chuyển gia súc, gia cầm, hàng thủy sản tươi sống trong thành phố, ví dụ như bố trí các xe tải nhỏ chở hàng từ các lò mổ, từ cảng cá đến các chợ chẳng hạn. Hướng giải quyết vấn đề là làm thế nào để vừa chấp hành tốt pháp luật giao thông, bảo đảm nếp sống văn minh đô thị và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân làm ăn, sinh sống.
MINH LONG
.
.
Văn hóa giao thông
Thứ Sáu, 04/09/2009, 07:46 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.