Sau khi ăn xong một tô bún ngoài đầu hẻm, bỗng dưng tôi nghĩ đến… Đề án nâng cao tầm vóc của người Việt Nam! Các đề án này trước đây tôi có nghe lơ mơ, và không nghĩ ngợi gì thêm, bởi đơn giản người Việt Nam còn thấp bé nhẹ cân thì Chính phủ phải tìm cách cải thiện. Thế thôi. Nhưng hôm nay, tôi đã lên mạng lục lọi về Đề án để xem có dính gì đến tô bún mà mình hay ăn buổi sáng không.
Theo Đề án thì hiện nay, so với chuẩn quốc tế, người đã trưởng thành của nước ta vẫn còn thấp hơn tiêu chuẩn 10,7cm đối với nữ và 13,1cm đối với nam. Vì thế, đến năm 2020, tầm vóc người Việt Nam phải phấn đấu đạt 167cm (nam) và 157cm (nữ) nhằm thu hẹp khoảng cách đối với các nước trong khu vực châu Á. Hai giải pháp được đưa ra để đạt được kết quả này là nâng cao hoạt động thể dục-thể thao và chăm sóc dinh dưỡng học đường.
Vậy là, không có giải pháp nào liên quan đến giá bún, giá mì cả. Trong khi đó, bằng tầm nhìn chỉ dài và rộng bằng đoạn đường từ nhà đến chợ của mình, tôi thấy vấn đề nâng cao tầm vóc của người Việt Nam lại nằm ở góc độ giá cả lương thực, thực phẩm. Mỗi đứa con, những thế hệ tương lai của đất nước đều được nuôi lớn từ các bà mẹ. Nhưng ra chợ, nghe bà mẹ nào cũng kêu than chuyện giá cả. Một bà hy sinh cả buổi sáng quý báu chỉ để trả giá con cá chim bé bằng lòng bàn tay từ 18.000 đồng xuống 15.000 đồng. Cuộc mua bán không thỏa thuận. Bà quay mặt bỏ đi. Một bà mẹ khác bế con ra chợ, đứa bé nhìn mẹ nài nỉ người bán cua bớt giá con cua 30.000 đồng xuống còn 25.000 đồng. Chị lấy lý do con cua nhỏ quá, ráy thịt ra chỉ được chừng một muỗng canh. Vì con nên phải cố mua bồi dưỡng cho nó. Nhưng rồi đứa bé cũng nhìn mẹ quay mặt đi và sẽ không có bữa cháo cua nào cho ngày hôm đó.
Trở lại chuyện tô bún. Khu phố tôi chỉ còn duy nhất một quán bán bún mà người ta muốn ăn một tô 7.000 đồng cũng có. Từ hồi vật giá leo thang, quán hết bún sớm hơn so với bình thường vì già, trẻ, lớn, nhỏ đều chọn nơi đó, thay vì đến các quán bán giá gấp đôi, gấp ba. Tiền nào của nấy, tô bún lèo tèo hai miếng thịt mang tiếng “nạm” cho oai. Nhớ lại tối qua xem chương trình Tìm kiếm người mẫu Canada, thấy mấy cô siêu mẫu ngồi trước đĩa thức ăn đầy ắp mà tủi. Thử tưởng tượng, dân mình cũng “ăn ít” theo chế độ người mẫu nước ngoài thì có lẽ toàn bộ thu nhập chỉ được dùng vào mỗi việc ăn?!
Được biết, thể lực của con người được quyết định bởi nhiều yếu tố. Trong đó, dinh dưỡng chiếm 31%, di truyền 23%, thể dục-thể thao 20%, môi trường 16%, tâm lý xã hội 10%. Như vậy rõ ràng dinh dưỡng có vai trò hàng đầu trong vấn đề nâng cao tầm vóc. Thế nhưng, trộm nghĩ, cứ cái đà này, khi các bà mẹ ra chợ chỉ chăm hăm vào việc tính toán sao cho đủ, thì trẻ con chưa bị suy dinh dưỡng đã là may. Vì thế, nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, nói xa nói gần cũng cần nhìn lại việc kiềm chế giá lương thực, thực phẩm.
Thu Hoa