.

Quyết liệt bình ổn thị trường ngoại hối

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD, ngay lập tức mặt bằng lãi suất huy động dòng vốn này đồng loạt được đưa về mốc 3%/năm và thậm chí nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) còn kéo xuống mức thấp 1,3-1,5%/năm.

Biểu lãi suất huy động vốn USD của hàng chục NHTM vừa được công bố cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động có sự điều chỉnh đáng kể với trần lãi suất huy động tối đa đồng loạt được giữ ở mức quy định 3%/năm. Các NHTM có tiềm lực lớn về dòng vốn ngoại tệ như Vietcombank, AgriBank, MaritimeBank, EximBank hay ACB nhanh chóng đưa ra biểu lãi suất ngay từ ngày 13-4 với một đặc điểm dễ nhận thấy là sự chênh lệch khá thấp giữa các kỳ hạn.

Không chỉ dừng lại ở việc quy định trần lãi suất huy động tối đa của đồng USD là 3%/năm, NHNN cũng đã tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ thêm 2% (từ mức 4% lên 6%). Động thái này cho thấy, NHNN đã đưa một thông điệp rõ ràng đến thị trường về quyết tâm chống đô-la hóa một cách triệt để với lộ trình dựa trên sự kết hợp đồng bộ giữa nhiều biện pháp.

Không chỉ tác động đến thị trường ngoại hối, với giải pháp này, NHNN cũng đã đạt mục đích là mũi tên nhằm vào cái đích thứ hai là thị trường nội tệ. Có thể ví cơ chế tác động này như một cái đồng hồ cát. Nếu giao dịch USD bị hạn chế và không còn có lợi thì ắt ngoại tệ này sẽ được đổi ra tiền đồng.

Qua tính toán cho thấy, cùng một món tiền gửi có giá trị tương đương nhau: 100.000 USD và 2,1 tỷ đồng, với lãi suất tối đa là 3%/năm, sau 1 tháng, 100.000 USD chỉ sinh lợi khoảng 250 USD (tương đương 5,25 triệu đồng). Còn với lãi suất thấp nhất là 14%/năm, sau 1 tháng, 2,1 tỷ đồng sẽ cho mức sinh lợi lên tới 25 triệu đồng. Như vậy, gửi VNĐ sẽ lợi gấp 5 lần so với gửi USD. Cho nên vì lợi nhuận, những người đang nắm giữ USD sẽ dịch chuyển số USD mà họ đang nắm giữ sang VNĐ.

Với quy định trần lãi suất huy động tối đa 1%/năm đối với các tổ chức được xem như một biện pháp khuyến khích doanh nghiệp (DN) bán lại ngoại tệ cho NH thay vì chỉ nhận được lãi suất tiền gửi thấp. Động thái trên đây của NHNN được hiểu như một trong gói giải pháp của cơ quan này nhằm tăng cường quản lý ngoại hối, đặc biệt đối với sản phẩm huy động và cho vay USD của các ngân hàng. Bởi cùng với việc khống chế trần lãi suất huy động USD, NHNN cũng tiến hành điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Đặc biệt, cũng trong thời gian này, Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối. Theo đó, trong tháng 4-2011, NHNN ban hành thông tư quy định việc mua bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và các DN thành viên là DN Nhà nước. Đồng thời ban hành quy định về trạng thái ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối thay thế quy định hiện hành theo hướng giảm giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ dương và tổng trạng thái ngoại tệ âm của TCTD. Mặt khác, NHNN cũng ban hành quy định mới là người cư trú chỉ được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan tối đa 5.000 USD so với mức 7.000 USD trước đây.

Kết quả tích cực nhận thấy rõ rệt nhất trên thị trường ngoại hối là các ngân hàng đã bắt đầu mua được USD từ người dân, đây vốn là điều rất hiếm thấy trước kia. Và một khi lượng lớn USD được chuyển thành tiền đồng thì thanh khoản tiền đồng ở các TCTD sẽ được cải thiện.

Theo quy định của pháp luật quản lý ngoại hối hiện hành, người dân có quyền sở hữu và cất trữ ngoại tệ; gửi và rút ra bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; được nhận tiền kiều hối bằng ngoại tệ; được bán ngoại tệ và mua ngoại tệ cho các nhu cầu hợp lý như đi công tác, du lịch, học tập, chữa bệnh ở nước ngoài… với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ. Nghiêm cấm các hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động mua bán, thanh toán ngoại tệ tự do trái phép vẫn còn lén lút diễn ra.

Chính vì vậy, việc quyết liệt xóa bỏ thị trường tự do về ngoại tệ, lập lại kỷ cương quản lý ngoại hối; tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp, lành mạnh cho hoạt động sản xuất là việc làm cấp thiết hiện nay của NHNN và các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.

PHƯƠNG UYÊN
;
.
.
.
.
.