.

Ngư dân, những chiến sĩ đại dương

Trong bài “Bám biển, giữ ngư trường” trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 7-6-2011, mở đầu bằng đoạn: “Cũng như ngư dân các địa phương khác, thời gian gần đây, việc sản xuất của ngư dân Đà Nẵng liên tục bị tàu Trung Quốc (TQ) uy hiếp, cản trở ngay trên vùng biển Việt Nam.

Vậy nhưng ngư dân không hề nao núng, trái lại quyết tâm hơn trong việc bám biển ở ngư trường xa bờ”. Tác giả cho biết thêm: “Tất cả ngư dân chúng tôi gặp đều cho rằng họ không hề sợ và vẫn tiếp tục bám biển. Tuy vậy, ai cũng cho rằng Chính phủ cần có sự hỗ trợ thích hợp cho các tàu đánh bắt xa bờ, cho vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu công suất lớn, có giải pháp bảo vệ ngư dân khi sản xuất tại các khu vực nhạy cảm...”; và dẫn lời Thiếu tá Trần Công Thành, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng: “Tích cực bám biển tại ngư trường xa bờ là giải pháp tốt nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đơn vị đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, động viên ngư dân bám biển, phối hợp với Sở NN&PTNT củng cố các tổ đội đánh bắt, tăng cường hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm Luật Biển và Luật Thủy sản”. Các phát biểu trên đây là đáng suy nghĩ. Chúng ta biết trong chủ trương giải quyết hòa bình những tranh chấp về lãnh hải hiện nay, thì vai trò của các ngư dân tại các vùng biển là cực kỳ quan trọng. Dẫu bị kẻ xấu quấy rối tại các ngư trường truyền thống bằng nhiều cách như nổ súng đe dọa, cướp sản phẩm và ngư lưới cụ, dùng tàu lớn đâm chìm tàu nhỏ, bắt giữ người đòi tiền chuộc..., ngư dân ta vẫn không nao núng. Điều đó cho thấy vượt trên chuyện sinh nhai và nghề nghiệp, ngư dân của ta là những chiến sĩ thực thụ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Trong hoàn cảnh khó khăn, ngư dân các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi đã tự động hình thành các tổ đội đánh bắt để bảo vệ lẫn nhau. Chỉ riêng TP. Đà Nẵng có khoảng 95 tổ khai thác hải sản với 699 tàu, trong đó tuyến xa bờ có 45 tổ với 191 tàu trong tổng số trên 2.000 tàu đánh cá là một con số khá khiêm tốn; trong đó, số lượng tàu, thuyền công suất lớn đủ điều kiện đánh bắt xa bờ chỉ chiếm khoảng 50%. Theo các cơ quan chức năng, hiện đã có một nửa trong số đó do ngư trường có tranh chấp đã chuyển về đánh bắt bằng nghề giã cào, lưới kéo gần bờ.

Quận Thanh Khê nổi tiếng với những đội tàu đánh bắt xa bờ đông đảo, nhưng số lượng tàu, thuyền có công suất từ 200 CV trở lên cũng chỉ chưa đến 100 chiếc. Còn quận Sơn Trà, theo thông tin từ website của quận: “Số tàu đánh bắt xa bờ được nâng lên 76 chiếc, nhưng cũng chỉ chiếm hơn 20% tổng công suất tàu thuyền đánh cá toàn quận. Ở Thừa Thiên-Huế, đội tàu đánh bắt xa bờ đã phát triển ấn tượng trong những năm gần đây, tăng từ 100 chiếc năm 2005 lên 201 chiếc năm 2010, nhưng so với tổng số 2 nghìn tàu, thì vẫn là con số khiêm tốn. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản các tỉnh duyên hải miền Trung, để nghề cá phát triển ổn định trong những năm đến, cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt biển xa, hỗ trợ lãi suất vay vốn; trang bị các phương tiện thông tin định vị hiện đại và cả các biện pháp hữu hiệu về bảo hiểm phương tiện, bảo hiểm con người cho ngư dân bên cạnh những biện pháp lớn của Chính phủ như nhanh chóng có các đơn vị kiểm ngư, tàu hậu cần, tàu tuần tra của quân đội hỗ trợ...

Tôi cho rằng, đây cũng là những khía cạnh quan trọng có quan hệ đến hạ tầng kỹ thuật trong kinh tế ngư nghiệp cần được nhận thức lại. Chúng ta biết rằng đa số lao động đánh cá trên biển hiện nay đều có thu nhập thấp mà mức độ rủi ro cao, nên có nhiều lao động đã chuyển nghề càng khiến lao động biển ngày càng ít. Đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ, ngư trường xa, chi phí nhiên liệu, vật tư tăng lên cũng khiến họ phải tính toán thiệt hơn cho mỗi chuyến ra khơi... 

Tóm lại, dù muôn vàn khó khăn và thách thức trong điều kiện lãnh hải xuất hiện sự tranh chấp ngang ngược và bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục của phía Trung Quốc, ngư dân chúng ta vẫn có mặt với tư cách những ngư dân - chiến sĩ. Đó là một thuận lợi nhưng đòi hỏi chính quyền và quản lý chuyên ngành các cấp nhanh chóng có những hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả để phát huy được sức mạnh đó trong quá trình bảo vệ chính nghĩa trên đại dương của Tổ quốc.         

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.