Vấn đề con người đã được nhắc đến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách thủ tục hành chính vào ngày 18-7, cụ thể là đạo đức của người cán bộ, công chức trong phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Đạo đức của người cán bộ, công chức chính là tác phong, thái độ, trách nhiệm và năng lực chuyên môn để bảo đảm tính hiệu quả của việc cải cách TTHC. Thử đặt trường hợp nếu chúng ta cứ hô hào, kêu gọi cải cách TTHC, nhưng người cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết vụ việc lại gây phiền hà, sách nhiễu dân thì các TTHC được cải cách tốt đến đâu cũng chỉ là hình thức, dừng lại ở lý thuyết chứ không thể đi vào cuộc sống. Và như thế, nền hành chính công sẽ không thể trở thành nền hành chính phục vụ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã đồng tình với ý kiến của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh - địa phương đứng đầu bảng về mức độ hài lòng của người dân với hiệu quả quản lý của chính quyền - rằng trong việc xây dựng, chỉnh đốn phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nếu chỉ dựa vào cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì vẫn chưa đủ mà cần có thêm những quy định khen thưởng và chế tài khác. Sự tự rèn luyện của cán bộ, công chức là cần thiết nhưng phải có giám sát để bộ máy từ Trung ương đến địa phương vận hành đồng bộ, đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích về kinh tế - xã hội cho đất nước trong bối cảnh hội nhập để phát triển. Quả thật, nếu không cải cách hành chính (CCHC) theo Đề án 30 (Đề án đơn giản hóa TTHC của Chính phủ) thì sẽ không có số lượng biên chế nào để giải quyết tất cả nhu cầu của doanh nghiệp, người dân mỗi ngày. Nhưng làm sao để hoàn toàn xóa đi mối quan ngại của doanh nghiệp và người dân khi đến “gõ cửa” các cơ quan Nhà nước là điều không hề đơn giản. Công việc này phải được làm từng bước; từng giai đoạn, cần sự nhận thức và trách nhiệm của những người lãnh đạo, sự phối hợp đồng bộ và chữ “tâm” của người cán bộ, công chức.
Tổng cộng 4.800 TTHC cần được đơn giản hóa là con số lớn. Tuy nhiên, CCHC không chỉ dừng lại ở số lượng mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng. Hay nói cách khác, CCHC không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi được bao nhiêu quy định mà cốt lõi vấn đề là việc bộ máy Nhà nước phải phục vụ người dân ngày càng tốt hơn; chất lượng hệ thống thể chế, nhất là thủ tục, phải được nâng cao; môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả. Theo đánh giá, tại hầu hết các địa phương hiện nay không còn cảnh chờ đợi dằng dặc hay “điệp khúc hẹn” để lấy được một văn bản, một con dấu và cũng đã giảm đáng kể khái niệm “hành chính = hành là chính”. Chúng ta vui mừng khi phần lớn các bộ, ngành, địa phương công bố công khai địa chỉ, số điện thoại chuyên dùng và địa chỉ email để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Nhưng để duy trì được hình thức đơn giản hóa và hiện đại hóa này cần sự quyết tâm và nhiệt tâm lớn, chứ không thể đánh trống bỏ dùi, không thể là những lời hứa suông.
Đà Nẵng là một trong 6 địa phương của cả nước có chỉ số cao nhất về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2010. Điều này phản ánh nỗ lực cải cách TTHC của Đà Nẵng trong những năm qua thật sự hiệu quả. Hàng loạt bất cập, rườm rà thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố đã được bãi bỏ, giảm gánh nặng hành chính về thời gian cũng như giảm chi phí cho các cá nhân, tổ chức và bản thân cơ quan hành chính.
Quyền lực phải gắn liền với trách nhiệm, và trách nhiệm gắn với chế tài. Nếu hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc như thế thì bài toán hành chính công sẽ có thể trở nên đơn giản hơn. Nếu làm tốt cải cách TTHC sẽ giúp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, và hơn hết mang lại niềm tin cho nhân dân khi được thụ hưởng nền hành chính phục vụ.
TÚ PHƯƠNG