.

Hướng về Hoàng Sa

Ấn phẩm “Kỷ yếu Hoàng Sa” (NXB Thông tin và Truyền thông) vừa được ấn hành là tin vui lớn đối với người dân Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Thêm một bằng chứng để khẳng định “Hoàng Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là của Việt Nam, chủ quyền ấy không thể chối cãi”, như lời của ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Nghiên cứu lịch sử thành phố Đà Nẵng trong chương trình Người đương thời phát sóng vào ngày 30-12-2011 trên kênh VTV1.

Tại buổi ra mắt, ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, và ông Bùi Văn Tiếng cùng 10 “nhân chứng sống” đã không giấu được niềm xúc động. Là những người có trách nhiệm liên quan đến Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ và ông Bùi Văn Tiếng hiểu sâu sắc về ý nghĩa, giá trị trong việc bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Là những người đã sống và làm việc tại Hoàng Sa, hơn ai hết, 10 nhân chứng xem Hoàng Sa tựa như máu thịt và gửi gắm thông điệp đến thế hệ con cháu rằng, phải luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam.

Hoàng Sa là của Việt Nam - thông điệp này cần được lan tỏa cả ở trong nước lẫn khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, không chỉ có “Kỷ yếu Hoàng Sa” với các tài liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý, thư tịch, bản đồ, châu bản, mộc bản…, mà còn cần thêm nhiều bằng chứng về “dải đất vàng” này, để thế hệ sau hiểu về Hoàng Sa cũng như về trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền của đất nước; để không cho phép bất kỳ hành động tranh chấp, gây hấn nào; để bạn bè quốc tế biết đến Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam.  

Trong chương trình Người đương thời, ý tưởng của ông Bùi Văn Tiếng về việc cần có những công dân danh dự ở Hoàng Sa được dư luận đồng tình, ủng hộ. Theo ông, Nhà nước cần cho phép những ai yêu mến Việt Nam, không phân biệt người trong nước hay nước ngoài, đăng ký làm công dân danh dự của huyện đảo này. Bởi lẽ, do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa chủ yếu trên cương vị pháp lý, còn công dân chưa được nhắc đến. Chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã được xác lập, nhưng đảo vẫn chưa có công dân. Trong nhiều giải pháp để khẳng định chủ quyền, việc đăng ký làm công dân danh dự của Hoàng Sa là điều cần thiết và có lẽ là cách tuyên truyền hữu hiệu nhất. Hoàng Sa cần nhiều công dân để tiếp tục góp thêm bằng chứng “chủ quyền sống” không thể chối cãi, đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm với quần đảo này.

“Kỷ yếu Hoàng Sa” được ra mắt và ý tưởng công dân danh dự của Hoàng Sa được đề cập trong lúc cả nước hướng về biển đảo yêu thương, với niềm tin vững chắc rằng vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được giải quyết theo xu hướng kiên quyết, hòa bình, đa phương, phù hợp với luật pháp quốc tế. Sẽ không có gì bị mất đi nếu nó luôn được nhắc đến, Hoàng Sa cũng như từng tấc đất của Việt Nam sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Dòng chảy niềm tin của các thế hệ về chủ quyền với Hoàng Sa sẽ nối tiếp nhau và ngày càng mạnh mẽ hơn, để giấc mơ được đứng ở Hoàng Sa và ngắm mặt trời lặn trên biển của riêng ông Bùi Văn Tiếng trở thành hiện thực. Giấc mơ của ông cũng là mong mỏi của biết bao người đang hướng về sóng nước Hoàng Sa với tình yêu cháy bỏng.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.