.

75 triệu, 500 nghìn và 150 lần

75 triệu đồng là số tiền thưởng Tết Nguyên đán 2012 cao nhất, 500.000 đồng là số tiền thưởng Tết thấp nhất, 150 lần là mức chênh lệch giữa hai mức thưởng. Đây là số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng về tình hình lương thưởng Tết từ báo cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn, tính đến ngày 26-12. Nhìn vào 3 con số trên, có rất nhiều điều đáng để suy nghĩ.

Có lẽ 75 triệu đồng tiền thưởng cho một người chưa phải là con số cao nhất trong dịp thưởng Tết năm nay ở Đà Nẵng, vì các báo cáo từ doanh nghiệp chưa dừng lại và con số này chỉ bằng 1/3 so với số tiền thưởng Tết năm ngoái là 244,3 triệu đồng, tuy nhiên đây là con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

2011 có thể nói là năm các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Không thoát khỏi ảnh hưởng suy thoái kinh tế, tài chính chung trên toàn cầu, các doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn vay, đối mặt với lạm phát tăng cao, chi phí sản xuất tăng, tỷ giá USD/VND không ngừng biến động. Trong bối cảnh như vậy, đối với không ít doanh nghiệp, duy trì sản xuất và trả lương đầy đủ cho người lao động đã là một thành công. Song, nhìn vào những con số thống kê về lương thưởng Tết, không khó để nhận thấy một điều: Các thành phần doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn khá vững vàng, làm ăn tốt và chăm lo tốt đời sống của người lao động.

Một điều rất đáng chú ý, nếu như năm ngoái và kể cả những năm trước đó, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất thuộc khối FDI thì năm nay, vị trí đó đã thuộc về khối doanh nghiệp cổ phần có vốn góp Nhà nước, trong khi khối kinh tế 100% vốn Nhà nước và dân doanh đã có những nỗ lực hết mình mặc dù mức thưởng trung bình có giảm đi. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy được tín hiệu khả quan về nội lực của nền kinh tế: doanh nghiệp trong nước trên địa bàn Đà Nẵng đang ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế của mình trong những thời điểm khó khăn nhất. Đây cũng là cơ sở để có niềm tin rằng, khối kinh tế này, đặc biệt là khối kinh tế Nhà nước, sẽ vững vàng khi bước vào giai đoạn tái cơ cấu kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, con số lương thưởng Tết nói trên cũng đặt ra một thực tế chưa có lời giải tồn tại bấy lâu nay: Vẫn còn một khoảng cách chênh lệch khá xa về thu nhập giữa các khối kinh tế, giữa các doanh nghiệp và thậm chí, trong cùng một doanh nghiệp với nhau. Nói rộng ra, qua mức lương thưởng Tết này, một lần nữa thấy được rằng khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội vẫn chênh lệch rất xa nhau. Năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất là 244,3 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng, chênh lệch nhau 488 lần. Năm nay, mức chênh lệch giảm xuống còn 150 lần, nhưng phải nói ngay một điều, mức chênh lệch không phải thu hẹp lại mà do mức thưởng cao nhất đã giảm đi.

Đó là chưa kể, ở thành phố này có bao nhiêu doanh nghiệp không có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động? Câu trả lời chắc chắn là có. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã báo cáo với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội công ty sẽ không có thưởng Tết cho người lao động do cả ngành Điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) năm nay làm ăn thua lỗ. Chắc chắn cũng sẽ có doanh nghiệp thưởng Tết cho nhân viên chỉ là gói hạt dưa, chai dầu ăn, chai nước mắm, gói mì chính… như mọi năm vẫn thường thấy. Cũng sẽ có doanh nghiệp thưởng Tết cho công nhân bằng chính những sản phẩm do mình sản xuất ra chưa tiêu thụ hết…

Một lẽ dĩ nhiên, doanh nghiệp nào làm ăn giỏi, sinh lời cao thì tiền thưởng cao; doanh nghiệp nào làm ăn lời ít thì thưởng ít; doanh nghiệp nào làm ăn kém, thua lỗ, thậm chí nợ bảo hiểm xã hội thì không thưởng Tết. Cũng như trong đời sống xã hội hiện nay vậy, người giàu thì ắt có người nghèo, có “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để thu hẹp khoảng cách đó, kể cả khoảng cách giàu - nghèo trong chính bản thân mỗi doanh nghiệp.

Thưởng Tết như một bức tranh với nhiều gam màu sáng, tối, đậm, nhạt mà nhìn vào đó có thể thấy được thước đo và hiệu quả của mỗi doanh nghiệp, có thể dự đoán được “sức khỏe” của nền kinh tế. Với người lao động Việt Nam, như một phong tục lì xì không thể thiếu được trong năm mới, hẳn ai cũng muốn Tết đến Xuân về, túi rủng rỉnh tiền thưởng đi mua sắm Tết…

Thảo Đà Nam

;
.
.
.
.
.