Không thể hời hợt được, bởi “sai một ly đi một dặm”!
Đó là ý kiến của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh về vấn đề lấy ý kiến góp ý các dự thảo luật trong thời gian qua.
Bởi, mặc dù trong năm qua, để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp QH, Đoàn ĐBQH thành phố ban hành các văn bản gửi cho các sở, ngành của thành phố đề nghị góp ý kiến chuyên sâu một số dự án luật nhưng cá biệt vẫn còn có đơn vị chưa làm hết trách nhiệm, chưa tổ chức nghiên cứu chuyên sâu nên chưa đạt yêu cầu của Đoàn.
Đó là chưa nói, ở cấp trên thì “vẫn còn tình trạng cơ quan trình dự án thường gửi bản thảo dự án luật về địa phương rất chậm, nhiều dự án luật do Đoàn chủ động liên hệ xin hoặc cập nhật trên mạng”. Báo cáo tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố nhìn nhận thẳng thắn như vậy.
Điều đó thể hiện sự hời hợt đối với những vấn đề quan trọng, nhất là ở những nội dung còn có ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau trong những dự án luật trong thời gian qua.
Trong khi đó, hôm nay (ngày 6-1) là vừa tròn 66 năm cử tri cả nước đi bầu cử để QH của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, làm nền tảng cho Nhà nước pháp quyền XHCN ngày nay. Mà Nhà nước pháp quyền XHCN chính là Nhà nước được xây dựng trên nền tảng pháp luật hoàn thiện, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Một nền tảng pháp luật như thế thì cần có sự nghiêm túc chứ không thể hời hợt. Bởi, việc góp ý, xây dựng hệ thống pháp luật không chặt chẽ, thống nhất và hoàn thiện thì việc triển khai luật đi vào cuộc sống thiếu tính khả thi, chất lượng không cao. Không chỉ tốn thêm thời gian, công sức, tiền của để phải sửa đổi, bổ sung liên tục, mà việc đưa luật vào cuộc sống sẽ trở nên khó khăn, làm cho việc thực hiện trở nên phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí kìm hãm sự phát triển.
Một dẫn chứng được đưa ra, là việc thực hiện Luật Cư trú với những điều kiện phải nói là dễ dãi để người dân có thể dễ dàng nhập cư vào các đô thị lớn. Từ thực tiễn quản lý đô thị nói chung và dân cư nói riêng, Đà Nẵng vừa có văn bản triển khai Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa VIII, với việc “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ, không có nghề nghiệp ổn định”. Hoặc vấn đề sở hữu đất đai trong Luật Đất đai hiện nay cũng đang gây nhiều tranh cãi, dẫn đến mỗi nơi thực hiện theo cách hiểu riêng của mình trong thực tiễn đời sống...
Từ thực tế đó, thực hiện nhiệm vụ của mình, Đoàn ĐBQH thành phố tập trung vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng đóng góp vào dự thảo luật của QH. Đó là, Đoàn tiếp tục phát huy việc lựa chọn những vấn đề trọng tâm đối với từng dự án luật sau hội nghị góp ý để có văn bản đề nghị một số cá nhân, cơ quan phân tích sâu hơn nữa, đưa ra những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình; trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH thành phố nghiên cứu, tham gia thảo luận tại các kỳ họp QH. Đoàn chú trọng đổi mới công tác lấy ý kiến theo hướng chọn lựa kỹ thành phần mời dự góp ý kiến, định hướng tập trung góp ý những vấn đề lớn của dự án luật nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của các sở, ban, ngành cần được luật điều chỉnh, tháo gỡ; mời một số chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực tham gia góp ý, phản biện chuyên sâu dự án luật; qua đó nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của luật sau khi được QH thông qua, ban hành.
Với những đầu việc như thế, thì hoạt động xây dựng luật của Đoàn sẽ nặng nề hơn. Nhưng điều đó cho thấy trách nhiệm của Đoàn ĐBQH thành phố đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, với cử tri thể hiện một cách cụ thể và đầy đủ hơn!
Anh Quân