Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện dự án hỗ trợ người khuyết tật Đà Nẵng tổ chức tại tầng 5 một khách sạn ở trung tâm thành phố, có đại biểu là người khuyết tật (NKT) vận động thụ hưởng dự án đến tham dự trên xe gắn máy nhưng lại đem theo... 2 chiếc ghế nhựa.
Lý do đến một khách sạn sang trọng như thế mà phải mang theo 2 ghế nhựa được giải thích là để những NKT vận động di chuyển từ nơi gửi xe đến thang máy, và từ thang máy vào trong hội trường. Trước lời giải thích đó, vấn đề được đặt ra là tại sao không có những phương tiện dành cho NKT vận động trong những trường hợp này?
Đây là câu hỏi không mới, nhưng câu trả lời thì dường như rất ít ỏi. Trong khi đó, theo khảo sát từ dự án, toàn thành phố hiện có đến gần 183 nghìn NKT, chiếm tỷ lệ 20,62% tổng dân số thành phố; trong đó, NKT vận động chiếm gần 20%, hơn 24 nghìn NKT có mức độ trung bình trở lên. Có lẽ vì thế, thông tin về việc UBND thành phố vừa có văn bản yêu cầu thực hiện bố trí lối đi dành riêng cho NKT có chiều rộng 0,6 mét và được lát gạch riêng để dễ nhận biết trên vỉa hè tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng.
Thế nên, “lối đi” của (chứ không phải “cho”) NKT cần được hiểu và thực hiện như thế nào là một vấn đề được bàn thảo rất nhiều trong quá trình triển khai dự án cũng như tại hội nghị tổng kết 3 năm việc thực hiện trên địa bàn thành phố.
Trong đó, vấn đề làm sao để NKT có điều kiện tham gia các hoạt động trong cộng đồng, tự vươn lên khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế là điều quan trọng. Trong số 8 khuyến nghị của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Minh Thủy (Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội) cho rằng, cần tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường cơ hội giao tiếp và sự tham gia của NKT; tăng cường giáo dục kỹ năng sống độc lập cho người lớn khuyết tật; tăng cường tiếp cận dịch vụ giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho NKT và gia đình; cần quảng bá và phát triển mạng lưới Hội NKT cũng như gia đình của NKT... Cũng thông qua nghiên cứu dự án về tăng cường năng lực thông qua cơ hội và dịch vụ kinh tế cho NKT, PGS. Nguyễn Thị Minh Thủy đã cho rằng, có đến 94% số NKT thụ hưởng dự án không thấy có sự đối xử khác biệt vì họ bị khuyết tật tại nơi làm việc; dự án đã làm thay đổi trong nhận thức của nhiều chủ doanh nghiệp và cán bộ trong cơ quan Nhà nước cũng như chính NKT từ quan điểm từ thiện sang mô hình xã hội đối với khuyết tật...
Chính vì thế, với vai trò là chủ doanh nghiệp, ông Võ Như Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Onedana đã đưa ra những khuyến nghị dành cho NKT là: Hãy đừng là người tàn tật; tìm việc rất khó khăn - hãy tự hoàn thiện; bắt đầu vượt lên từ mầm non, tiểu học; đừng ỷ lại vào sự bảo trợ xã hội. Những khuyến nghị này bắt đầu từ việc phân tích những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của NKT là do “3 tự”: Tự ti vì quán tính bản thân luôn khiếm khuyết; tự mãn vì quán tính xã hội luôn ưu ái; tự tôn vì được ưu tiên phiến diện trong đào tạo nên biết sơ qua, không kỹ, không biết mình ở đâu!
Như vậy, để có “lối đi” của NKT, thì không chỉ cần sự tích cực trong nhận thức và hành động từ phía chính quyền, các cơ quan, tổ chức và gia đình, mà còn chính từ nỗ lực bản thân của NKT trong một cách nhìn nhận mới của mình!
Anh Quân