Có lẽ, Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới có cách ăn Tết lai rai trong suốt tháng Giêng với vô số lễ hội.
Trước hết, đây là tập tục của cha ông có từ hàng ngàn năm nên không thể bàn về lẽ đúng - sai. Thế nhưng, cái đáng chê trách - cái kiên quyết phải được loại bỏ là tình trạng buôn thần, bán thánh diễn ra khắp nơi, từ Chùa Hương đến Đền Trần, từ Bái Bính đến Yên Tử linh thiêng... Mở bất kỳ tờ báo in hay báo mạng nào cũng thấy đầy rẫy những nỗi xót xa: Nào là đội quân “cái bang” đổ bộ; nào là không có tiền thì không có ấn; nào là tiền ít thì thần linh khước từ bởi thiếu đi cái “chất kim” lạnh lẽo của lòng thành... Đó là chưa kể các dạng xin “đểu”, “chặt chém” về giá cả, vòi vĩnh ép mua, bắt phải cho, đòi là phải có. Điều đáng ngạc nhiên nhất về văn hóa tâm linh là nhiều người Việt Nam hôm nay dường như đã quên rằng Đức Phật ghét bạc tiền (!). Vậy thì, nếu tin vào Phật, sao lại cứ cố tình nhét vào bàn tay của tượng Phật hết đồng tiền này đến đồng tiền khác?
Chuyện trẩy hội đền chùa về hình thức không liên quan gì nhiều đến ngành du lịch nhưng trên thực tế là cặp đôi song trùng của văn hóa - ngành kinh tế không khói của nước nhà. Thử đặt một câu hỏi nhỏ với bất kỳ du khách nào khi đi du lịch (trong nước hay nước ngoài) rằng, ông, bà, anh, chị sợ nhất điều gì khi đến một miền đất mới? Câu trả lời sẽ chung với tất cả: Cái đáng sợ nhất là bị lừa về giá cả, tạo nên sự khó chịu về mặt tinh thần. Rõ ràng, dù du lịch liên quan đến tâm linh hay để hiểu biết thì mục đích đều giống nhau: Chấp nhận tốn kém để “mua” sự nhẹ nhõm, thư giãn, hưng phấn của tâm hồn, giảm stress... Chính vì lẽ tất nhiên này nên việc trẩy hội để cầu may, cầu tài, cầu phúc không thể nào là bạn đồng hành với sự khó chịu, bực bội, tức giận.
Ấy vậy mà từ Bắc vào Nam, tiếng ca thán về việc bị lừa, sự ô uế môi trường, sự “chặt chém” trong nhiều lễ hội cứ chen chúc trên mặt báo. Đến đây thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm bớt tốc độ “tiền hóa” sự linh thiêng theo cách mua thần bán thánh, làm thế nào để cứu vãn sự tha hóa của tâm hồn, sự suy đồi hóa của đạo đức trong mùa lễ hội?
Đây là một trong những câu hỏi khó, thậm chí là cực khó bởi tất cả những gì liên quan đến văn hóa - tâm linh đều là các giá trị không thể đong đếm bằng các tiêu chí thông thường. Nhất thiết phải có các loại chế tài đúng và nghiêm khắc để ngăn chặn mọi sự ăn theo, nước đục, lộng hành. Nhất thiết phải hiểu đủ và đúng rằng thu nhập của một địa phương chỉ là cái rất nhỏ so với sự mất mát vô cùng lớn về mặt văn hóa, đạo đức. Tại sao ở nước ngoài, chỉ vất một cọng rác ra đường là bị phạt mà ở Việt Nam, hành vi này không hề bị xử phạt? Quả thật phải chăng nếu trông chờ vào sự tự giác để loại bỏ thói quen xấu là điều xa vời?
TÔ VĨNH HÀ