Thời sự và bàn luận
Cần xác định lộ trình giảm lãi suất
Theo thông tin chính thức ghi nhận được từ hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nội dung quan trọng được bàn thảo nhiều là định hướng thay đổi về cơ chế điều hành tỷ giá, trong khi đó “cặp đôi hoàn hảo” của tỷ giá là lãi suất lại không có đề xuất gì mới, mặc dù đây là mối bận tâm lớn của cả nền kinh tế và mong mỏi của các doanh nghiệp.
Như đánh giá của NHNN, mặt bằng lãi suất VNĐ hiện đang khá ổn định, lãi suất cho vay đã giảm gần 50% so với năm 2011, ngắn hạn chỉ từ 6-8%, trung dài hạn từ 9-11%, nhưng dự báo năm 2016 áp lực giảm thêm lãi suất sẽ rất khó.
Tuy nhiên, nếu cứ lấy hệ quy chiếu của giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2011 để so sánh từ đó cho rằng mặt bằng lãi suất nay đã phù hợp e rằng còn nhiều khập khiễng. Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tiếp tục “ra giá” với khách hàng vay lãi suất trung dài hạn sản xuất kinh doanh từ 12-14%, chưa kể giá của các công ty tài chính tiêu dùng còn “khủng” hơn, lên đến vài chục phần trăm/năm.
Tình trạng cho vay lãi suất cao vẫn được xem là tâm lý còn khá phổ biến, chậm thay đổi, kể cả trong hệ thống tài chính chính thống. Chừng mực nào đó hiện tượng này vẫn được các nhà làm chính sách dung dưỡng để tồn tại.
Tốc độ hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, mức độ cắt giảm các dòng thuế ngày càng lớn, nhưng sự tương quan về mặt bằng lãi suất của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn chênh lệch khá xa. Đây là bất lợi cạnh tranh mang tính lâu dài đối với doanh nghiệp nước ta.
Trong khi nếu xét về chỉ số lạm phát năm nay rất thấp, năm 2016 dự báo cũng không quá 5%, chi phí đầu vào vốn ngoại tệ đã về không (0)…, nhìn tổng thể dư địa giảm lãi suất vẫn còn nhiều.
Giảm lãi suất không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn làm gia tăng thêm sự hiện diện của các dòng tiền năng động trên thị trường vốn.
Thời gian đến, với chủ trương thoái vốn mạnh mẽ tại các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối lớn, cần khuyến khích người dân, các nhà đầu tư tham gia đa dạng hóa kênh đầu tư sinh lợi, góp phần đột phá, “mở toang cánh cửa” thị trường chứng khoán, chia sẻ bớt gánh nặng với hệ thống ngân hàng trong nỗ lực tập trung và phân phối vốn cho nền kinh tế.
Giảm lãi suất còn là động lực để chuyển hướng trọng tâm sang đa dạng hóa, tăng cường chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, trong đó giải pháp cơ bản nhất để khuyến khích giảm lãi suất vẫn là nâng cao trình độ cạnh tranh chuyên nghiệp giữa các NHTM thông qua công nghệ hiện đại/hiệu quả quản trị điều hành/năng lực trường vốn/kỹ năng sáng tạo… chứ không phải bằng thủ thuật phá giá lãi suất, gây rối thêm thị trường như lâu nay.
Một khi doanh nghiệp mạnh lên cả về chất và lượng nhờ đồng vốn giá rẻ của ngân hàng thì đó là nền tảng để ngân hàng có thể phát triển bền vững hơn.
Lộ trình giảm lãi suất là chủ trương lớn, thiết nghĩ cần được làm rõ trong chương trình nghị sự hoạt động của NHNN, với tầm nhìn dài hạn đi kèm các cơ chế chính sách có hiệu lực. Bên cạnh nỗ lực kiểm soát ổn định vĩ mô, cần phấn đấu xác lập mục tiêu điều hành cho một số loại lãi suất thương mại VNĐ chủ chốt, ví dụ lộ trình trong năm 2016 lãi suất tiền gửi bình quân không vượt quá chỉ số lạm phát cơ bản (core inflation), lãi suất cho vay trung dài hạn sản xuất kinh doanh phải về dưới 9%, lãi suất ngắn hạn dưới 7%/năm…
Để khuyến khích tiến trình giảm lãi suất, NHNN cần xem xét giảm mạnh lãi suất tái cấp vốn. Riêng đối với tái cấp vốn trái phiếu VAMC xử lý nợ xấu mức đề xuất giảm ít nhất 50% lãi suất và phí có liên quan nhằm hỗ trợ các NHTM bổ sung thêm năng lực tài chính. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18-20%, cần tiếp tục xem xét giảm dự trữ bắt buộc, đây cũng là giải pháp mang lại hiệu quả kép, vừa mở rộng dư địa nguồn vốn, vừa giảm thiểu chi phí trực tiếp cho NHTM.
TÂM DÂN