Thời sự và bàn luận
Chữa cháy ô-tô
Giữa tuần rồi, đang đứng xếp hàng chờ mua bình chữa cháy trang bị cho ô-tô theo quy định của Nghị định 57, anh chồng nghe cuộc điện thoại khẩn cấp của vợ: “Thôi về, chưa phạt!”. “Nhưng chưa phạt gì?”. “Bộ Công an nói chưa phạt ô-tô không trang bị bình chữa cháy, thôi về đi!”.
“Nhưng chưa không có nghĩa là không; thôi để anh mua gắn vô cho chắc, lỡ mai mốt ổng xử phạt gấp thì sao làm kịp!”. “Anh định mua bữa ni cho chủ hàng “cắt cổ” à? Để vài bữa rảnh rỗi đi mua cho đúng giá, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó anh ơi!”.
Vậy là câu chuyện về trang bị bình chữa cháy ô-tô tiếp tục râm ran, nhưng theo kiểu giới chủ xe thì hào hứng đón mừng thông tin Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết chưa xử phạt ô-tô thiếu bình chữa cháy; còn Cục Cảnh sát giao thông của bộ này thì khẳng định Cảnh sát giao thông không được phép dừng phương tiện chỉ để kiểm tra thiết bị PCCC.
Thế nhưng, các chủ cửa hàng nhập bình chữa cháy kèm theo… dao để “chặt chém” khách hàng nhân việc xử phạt quá gấp khi dân tình chưa hiểu hết về Thông tư 57 thì đứng ngồi không yên; bởi không biết rồi khi nào chuyện kiểm tra, xử phạt mới rộ lại.
Rảnh rỗi vì chưa phải vội trang bị bình chữa cháy, mấy chủ xe ngồi lại phân tích thêm về cái văn bản ra đời hai tháng trước (ban hành ngày 26-10-2015, hiệu lực thi hành kể từ ngày 6-1-2016). Bên ủng hộ thì nói Công an lo cho dân như thế là tốt, vì đã có nhiều vụ cháy xe diễn ra rồi.
Nhưng phía phản đối thì xem ra đông hơn và thuyết phục hơn. Bởi theo họ, khi thiết kế xe, nhà sản xuất đã tính đến việc PCCC với yêu cầu rất nghiêm ngặt, nhất là đối với phòng cháy về điện và nhiên liệu. Cùng với đó là cơ chế kiểm định ngặt nghèo để bảo đảm chất lượng vận hành của xe.
Vì vậy, nếu thấy cần thiết thì nhà sản xuất đã thiết kế nơi để gắn bình chữa cháy và trang bị luôn bình chữa cháy như là một phụ kiện trên xe; chứ không phải để đến lúc bán ra cho người tiêu dùng rồi họ tự “chế” ra nơi gắn bình chữa cháy.
Nếu chế ra nơi gắn bình chữa cháy như vậy, cơ quan chức năng có gắn cho cái tội thay đổi thiết kế của xe nữa hay không? Rồi giới chuyên gia cho rằng, với khí hậu Việt Nam, khi để bình chữa cháy trong xe không vận hành giữa trời nắng thì nguy cơ cháy nổ lại cao hơn, vì nhiệt độ trong xe có thể lên đến 700C, trong khi cảnh báo thiết bị này có ngưỡng an toàn là 600C.
Đó là chưa kể, mặc dù ban hành hơn hai tháng trước khi có hiệu lực, nhưng giới chủ ô-tô không được thông tin, chỉ đến khi nghe xử phạt mới tá hỏa chạy đi mua bình chữa cháy, đến nỗi gây ra tình trạng “cháy” hàng; giới đầu cơ được dịp tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi, rồi diễn ra cảnh bán hàng giả, hàng kém chất lượng … Với một mớ lý do đó, chuyện tạm ngừng và chưa biết thời hạn xử phạt chính thức là đương nhiên.
Trước đây, khi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội hay HĐND, cử tri thường ca thán chuyện luật chậm đi vào cuộc sống; lý do các đại biểu đưa ra là luật ra đời nhưng còn chờ thông tư, nghị định. Nay chắc đại biểu phải chuẩn bị thêm lý do là nghị định, thông tư ra đời nhưng luật vẫn chậm đi vào cuộc sống, vì không biết nghị định, thông tư đó có chờ sửa đổi, bãi bỏ không nữa!
ANH QUÂN