Thời sự và bàn luận

Mạnh tay với "ma men"

08:50, 07/09/2016 (GMT+7)

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định việc xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua.

Để từng bước đưa Nghị định 46 đi vào cuộc sống, từ 16-8, 4 địa phương được Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an chọn để mở đợt ra quân cao điểm trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa nhằm bảo đảm an toàn giao thông từ ngày 16-8 đến 5-9 ở các thành phố lớn gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ; trong đó tập trung kiểm tra, xử lý vào các hành vi vi phạm như: Lái xe sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định; điều khiển xe chạy quá tốc độ; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; xe khách dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định; chở quá số người quy định; xe tải chở quá trọng tải...

Sau hơn 15 ngày thực hiện, dư luận cho rằng Nghị định 46 đã có những tác động tích cực trong đời sống xã hội; nhất là việc tăng mức hình phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có mức phạt dành cho những người điều khiển xe máy, ô-tô ở mức tối đa lên đến 18 triệu đồng kèm theo các hình phạt bổ sung khác khi vi phạm về nồng độ cồn có thể xem là một trong những lỗi bị phạt cao nhất trong Nghị định 46.

Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay, lực lượng CSGT thành phố Đà Nẵng đã phát hiện gần 800 trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn, trong đó có hơn 100 trường hợp người điều khiển phương tiện ô-tô vi phạm do đã uống rượu, bia quá nồng độ cho phép bị lập biên bản, bị xử phạt theo nhiều hình thức được quy định trong Nghị định 46.

Nhìn chung, đa số những người điều khiển phương tiện đã chấp hành nghiêm túc khi kiểm tra nồng độ, nếu bị vi phạm thì ký biên bản và sau đó làm các thủ tục nộp phạt. Tuy nhiên, cũng có những người điều khiển phương tiện tỏ thái độ bất hợp tác, không chịu cho kiểm tra nồng độ cồn, hoặc không ký biên bản vi phạm, không đưa xe về nơi tập trung theo quy định… Nhưng lực lượng CSGT đã nhận thức được công việc của mình - vì khi xử phạt lỗi vi phạm với người bình thường, tỉnh táo đã khó, đối với các trường hợp say rượu càng khó khăn gấp nhiều lần - nên vẫn kiên quyết xử lý. Có trường hợp người điều khiển phương tiện ô-tô  khóa cửa xe, bỏ đi, buộc CSGT phải sử dụng xe chuyên dùng để đưa xe về bãi tập trung xử lý sau.

Sau một thời gian thực hiện Nghị định 46 trên địa bàn thành phố, đã có dư luận rất tốt về việc xử lý nghiêm những người ngồi sau tay lái sau khi đã uống rượu, bia quá nồng độ cho phép. Đồng thời, ngày càng có nhiều trường hợp người đi nhậu ở các hàng quán đã tự giác để xe máy, ô-tô ở lại sau khi thấy quá nồng độ cho phép; hoặc nhờ người thân lái xe về, hoặc đi xe ôm, xe taxi đến quán nhậu hay khi về nhà…

Việc gia tăng công tác tuần tra kiểm soát, áp dụng mạnh các hình thức xử phạt nghiêm minh, phạt nặng về kinh tế là biện pháp hành chính mạnh mẽ và hữu hiệu nhất đối với những trường hợp vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; qua đó kịp thời góp phần ngăn chặn những tay ma men ngồi sau tay lái có thể gây ra các vụ tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.

Vì vậy, dư luận cũng mong muốn là trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung cần duy trì thường xuyên, liên tục việc tuyên truyền, giáo dục đi đôi với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh những người điều khiển phương tiện xe máy, ô-tô trong tình trạng quá nồng độ cồn cho phép; từ đó bảo đảm an toàn giao thông – một tiêu chí trong xây dựng “Thành phố 4 an” của Đà Nẵng.

Tuyết Minh

.