Thời sự và bàn luận

Tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho công nhân

08:11, 24/04/2017 (GMT+7)

Đối thoại với 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại Cung Thể thao Tiên Sơn sáng 22-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát đi thông điệp: Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp luôn hướng về giai cấp công nhân. Mọi ý chí, nguyện vọng của công nhân phải tiếp tục được lắng nghe và từng bước giải quyết.

Thủ tướng chia sẻ chân thành: “Tết Lao động năm 2016, tôi đã có cuộc trò chuyện với công nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại Đồng Nai. Cảm xúc của ngày hôm đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Không phải chỉ là những tình cảm yêu quý tôi được đón nhận từ công nhân, mà canh cánh trong lòng là trách nhiệm của tôi với công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Tôi đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn được trao đổi với công nhân vì các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của công nhân chính là ý chí của công nhân, ý chí của hành động, của tiến công vun đắp sự phồn vinh và trường tồn của đất nước. Giai đoạn phát triển mới của đất nước yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.

Vì lẽ đó, trong cuộc đối thoại, bên cạnh ân cần thăm hỏi, chia sẻ và cảm thông sâu sắc trước những hoàn cảnh khó khăn của công nhân, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vấn đề mà công nhân gửi gắm, kiến nghị.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần phối hợp chặt chẽ với Công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế Công đoàn dành cho công nhân.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”; bởi hiện nay, nhà ở cho công nhân đang là vấn đề cấp thiết. Trong số 2,7 triệu lao động của 344 khu công nghiệp và khu chế xuất trên cả nước thì có 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng. Vấn đề đặt ra là nhu cầu nhà ở luôn đi kèm nhu cầu về nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, chăm sóc y tế, hỗ trợ pháp luật cho công nhân lao động.

Một vấn đề được nêu ra cuộc đối thoại đó là sức khỏe từ chất lượng bữa ăn ca cho công nhân. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, sức khỏe của công nhân là tài sản của doanh nghiệp. Mâm cơm có an toàn vệ sinh thực phẩm mới bảo đảm sức khỏe cho công nhân.

Do vậy, Thủ tướng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp phải rõ ràng, nghiêm túc và chân thành trả lời trước người lao động. Nếu như kiểm soát an toàn thực phẩm chưa tốt, để cho công nhân bị ngộ độc, chính quyền và doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm.

Ngoài sức khỏe thì môi trường làm việc của người lao động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động và năng suất lao động. Để giảm tác hại của môi trường đến sức khỏe công nhân và phát tán ngoài cộng đồng, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết:

Ở đâu có nhà máy gây ô nhiễm, lãnh đạo địa phương ở đó phải chịu trách nhiệm. Thủ tướng đề nghị báo chí, người dân, công nhân mạnh mẽ lên tiếng, chỉ ra và Chính phủ cam kết sẽ xử lý nghiêm túc, kịp thời.

Có thể nói, những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động đã thể hiện rõ nét tại buổi đối thoại với 2.000 công nhân vừa qua. Thông điệp mà Thủ tướng muốn gửi đến là cả hệ thống chính trị cần tiếp tục chung tay chăm lo đời sống công nhân; dành sự quan tâm hơn nữa đến đội ngũ công nhân lao động cả nước để chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao.

Đây được xem như một liều thuốc quý để tiếp thêm niềm tin vào không chỉ 2.000 công nhân có mặt tại Cung Thể thao Tiên Sơn mà cho hàng triệu công nhân cả nước. Từ những cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn công nhân có thêm niềm tin, sức mạnh và nghị lực để tiếp tục hăng say lao động và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai không xa.

DIỆU MINH

.