Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khai mạc sáng ngày 7-5, đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII, sẽ thảo luận và ban hành nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề đổi mới công tác cán bộ.
Cách đây hơn hai mươi năm, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “xác định phương hướng cơ bản, các chính sách và giải pháp lớn xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đến năm 2020, trước mắt là chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng”.
Toàn bộ công tác cán bộ của Đà Nẵng từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đều được triển khai dưới ánh sáng chiến lược cán bộ của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII năm 1997.
Thời kỳ đến năm 2020 sắp kết thúc, việc đánh giá lại chặng đường 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII năm 1997 ở thời điểm này là đúng lúc và cần thiết nhằm trên cơ sở kế thừa và phát huy thành tựu của chặng đường vừa qua, kịp thời đề ra chiến lược cán bộ thời kỳ mới.
Gần hai năm qua, Ban Tổ chức Trung ương đã khởi động việc chuẩn bị Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và thông qua tại Hội nghị Trung ương 7.
Đề án này được đánh giá là chuẩn bị bài bản, công phu và thận trọng với nhiều điểm mới. Chẳng hạn chiến lược cán bộ của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII chỉ một lần nhắc đến cán bộ cấp chiến lược: “cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cấp chiến lược”, trong khi đó cán bộ chiến lược đã trở thành nội dung cốt lõi trong chiến lược cán bộ của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, được định danh thậm chí định lượng cụ thể.
Theo Đề án này, cán bộ chiến lược được hiểu là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương - những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với những tiêu chuẩn ngang tầm như có khát vọng đưa đất nước phát triển, tầm nhìn xa trông rộng và khả năng truyền cảm hứng...
Đề án này cũng nhấn mạnh yếu tố cạnh tranh trong công tác cán bộ đậm nét hơn nhiều so với chiến lược cán bộ của Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII. Chẳng hạn trong khi Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII chỉ nêu yếu tố cạnh tranh trong tuyển dụng công chức:
“Kết quả sát hạch, thi tuyển là một căn cứ chủ yếu đề ra quyết định tuyển dụng cán bộ (...) bảo đảm việc thi tuyển tiến hành một cách chặt chẽ, khách quan và công bằng”; thì Đề án này đề xuất việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ phải được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh, ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển; thậm chí còn tính đến khả năng giảm số lượng Ban Chấp hành Trung ương, không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào cũng phải có Ủy viên Trung ương phụ trách nhằm nâng cao chất lượng theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, đồng thời nhằm đề cao yếu tố cạnh tranh trong công tác cán bộ (1).
Hay chẳng hạn trong khi Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII chỉ nêu yêu cầu “cán bộ đứng đầu từ cấp huyện, quận trở lên không giữ một chức vụ quá hai nhiệm kỳ ở cùng một đơn vị, địa phương”; thì Đề án này đề xuất yêu cầu thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân.
Hay chẳng hạn trong khi Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII chỉ nêu một trong những hạn chế của công tác cán bộ là “hẹp hòi, định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ”, từ đó “có kế hoạch tạo nguồn cán bộ, chú trọng những cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức có thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới dưới 45 tuổi ở các quận, huyện, tỉnh, thành, các bộ, ban ngành Trung ương và các doanh nghiệp...”(2); thì Đề án này nhấn mạnh cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp.
Việc Đề án này quan tâm đến yêu cầu trẻ hóa cán bộ, tạo điều kiện để những cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp như vừa nêu cho thấy muốn xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ gánh vác trọng trách của đất nước và của Đảng, cần phải bắt đầu từ sớm, từ các cấp dưới kể cả cấp phường/xã gần dân.
Đương nhiên ở đây chỉ đặt vấn đề thúc đẩy nhanh hơn quá trình thăng tiến trong công vụ đối với những cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển chứ không phải “đốt cháy giai đoạn” để tạo nên tình trạng chín-ép-khi-còn-quá-xanh của một số “hậu duệ” chưa đảm bảo tiêu chuẩn chứ đừng nói là có bản lĩnh và năng lực nổi trội, từng gây tai tiếng cho công tác cán bộ trong những năm qua.
Không phải ngẫu nhiên mà Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 cùng với đề án về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”; và nhất là sau khi các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã bắt đầu được triển khai trong thực tế.
Sẽ rất khó đổi mới công tác cán bộ một cách hiệu quả nếu không gắn với đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, và sẽ rất khó đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn nếu không gắn với cải cách chính sách tiền lương. Nhìn vào tính logic của các vấn đề quốc gia đại sự được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7, chúng ta có quyền kỳ vọng chiến lược cán bộ của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII sẽ tạo nên bước đột phá trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Nghĩ về yếu tố cạnh tranh trong công tác cán bộ, Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 5-2018.
(2) Các đoạn in đứng trong bài đều trích từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.