Hôm nay 5-9, hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố bước vào năm học mới 2018-2019. Đằng sau tiếng trống trường rộn rã là niềm vui cùng bộn bề những nỗi lo.
Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã có nhiều đổi mới với nhiều cách làm sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là việc triển khai dạy chương trình thể dục tự chọn giúp học sinh có thể phát huy khả năng, sở trường của bản thân để phát triển một cách tốt nhất về thể lực. Đó còn là việc phổ cập môn bơi lội không những giúp rèn luyện thể chất mà còn phòng tránh đuối nước hiệu quả.
Trong buổi làm việc với ngành giáo dục, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng từng trăn trở và mong muốn 5 năm, 10 năm nữa, thế hệ trẻ sẽ có thể lực tốt hơn, tầm vóc cao hơn thế hệ cha anh, phát triển một cách toàn diện cả về trí và lực. Với hàng chục ngàn học sinh biết bơi sau mỗi mùa hè và những giờ thể dục không còn là nỗi sợ hãi mà là niềm vui, sự chờ mong của các em, ngành giáo dục đã từng bước hiện thực hóa mong muốn đó.
Không chỉ thế, phương pháp dạy học thời gian qua cũng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh chứ không còn tình trạng “đọc - chép” như trước. Ngành giáo dục thành phố đề ra nhiều giải pháp trong chỉ đạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới hình thức sinh hoạt theo hướng nghiên cứu bài học.
Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, chú trọng và đầu tư nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục. Thành phố đã bố trí ngân sách 20% chi thường xuyên cho giáo dục và mỗi năm đều tăng lên, chưa kể nguồn lực rất lớn cho chi đầu tư. Có bố trí được nguồn lực thì mới giúp ngành giáo dục giải quyết nhiều vấn đề như: đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải thiện đời sống giáo viên, tổ chức các hoạt động trong nhà trường… Đặc biệt, giai đoạn 2013 - 2016, ngành giáo dục thành phố đã triển khai và hoàn thành chương trình xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh trong các trường học. Kết quả có 98 trường học được đầu tư xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh với tổng kinh phí 67 tỷ đồng.
Thuận lợi là thế, nhưng trước mắt vẫn còn đó những bộn bề. Đó là những công trình trường học ngổn ngang chưa thể hoàn thành ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học. Đời sống giáo viên ở nhiều nơi vẫn còn khó khăn và những thiệt thòi đối với giáo viên giỏi được rút lên làm cán bộ quản lý. Vẫn còn đâu đó những cô giáo nhưng không là “mẹ hiền”, gây nên những vết thương cả về thể xác và tinh thần cho con trẻ. Ở nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố, học sinh vẫn chưa được học 2 buổi/ngày do thiếu cơ sở vật chất. Và nhìn xa hơn, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp cần phải được triển khai mạnh khi dự báo đến năm 2030, dân số thành phố đạt khoảng 2,5 triệu dân thì số lượng trường học cần phải gấp đôi hiện nay mới có thể đáp ứng đủ.
Nói vậy để thấy năm học mới cũng là năm ngành giáo dục cần nhiều giải pháp hơn nữa, bứt phá hơn nữa không chỉ để nâng cao chất lượng dạy học mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành giáo dục thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh nhằm tạo ra những thế hệ công dân đáp ứng xu thế hội nhập. Bên cạnh đó, ngành cũng phải đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ và kết nối các đề án, dự án đã được phê duyệt như: đề án dạy và học ngoại ngữ, đề án sữa học đường, đầu tư trang thiết bị đồ chơi cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi... Để làm được điều đó không chỉ có kinh phí, phương tiện vật chất là đủ mà cần phải thắp lên ngọn lửa. Đó là ngọn lửa của lòng nhiệt huyết, yêu nghề trong mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ quản lý. Ngọn lửa đó sẽ truyền sang thế hệ học trò, giúp các em biết yêu thương, chia sẻ; có trách nhiệm với bản thân trong việc trang bị vốn tri thức, vững vàng và chủ động hơn trong hội nhập và phát triển.
P. T