Cơ hội để nhìn lại

.

Chiều tối 6-2, UBND thành phố đã chấp thuận đề nghị của Sở GD-ĐT kéo dài kỳ nghỉ của học sinh đến hết ngày 16-2. Đây là lần thứ hai trong vòng ít ngày Sở GD-ĐT có đề nghị như vậy và cũng là lần thứ hai UBND thành phố chấp thuận, vì điều này rất cần thiết nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Ai cũng hiểu giữa lúc dịch hoành hành thì việc cách ly, tránh tụ tập đông đúc là tối cần thiết để bảo vệ mọi người.

Thế nhưng, song song đó, một thực tế đang diễn ra là hầu hết phụ huynh đều lúng túng và bị động trước kỳ nghỉ đột xuất nhưng kéo dài như thế này. “Đặt” con ở đâu cho an toàn và bổ ích trong suốt thời gian nghỉ, đó là câu hỏi mà hầu hết các bậc phụ huynh đều khó trả lời. Người nhờ vả bà con trông hộ, người xin nghỉ phép để ở nhà với con, người chỉ biết hoang mang khi không tìm ra giải pháp…

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có lịch học theo kiểu kéo dài “một mạch” lên đến 9 tháng và sau đó nghỉ hè cả kỳ 3 tháng. Đây là lịch trình học quá dài với rất nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Ngược lại, kỳ nghỉ hè liên tục 3 tháng cũng là quá nhiều, khiến mọi người đều không biết sử dụng quỹ thời gian dài này thế nào cho hợp lý và hiệu quả. Bởi vì điều này mà hầu hết đều chọn giải pháp bất đắc dĩ là cho con tiếp tục “học kỳ ba”.

Giữa cái khó lúc này có thể xem là cơ hội để ngành giáo dục nhìn lại lịch trình học của các nước phát triển. Hầu hết ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đều chọn kiểu phân nhỏ kỳ học và xen vào đó là kỳ nghỉ ngắn ngày mà phổ biến nhất là kiểu học 8 tuần được nghỉ 2 tuần.

Với một số quốc gia có mùa đông khắt nghiệt thì ưu tiên sắp xếp thời gian nghỉ vào mùa đông dài hơn, nhưng cũng không bao giờ có chuyện kỳ nghỉ liên tục 3 tháng như chúng ta. Không ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia chọn kiểu rút ngắn kỳ học và xen vào đó là những kỳ nghỉ ngắn.

Đó là cả quá trình đúc kết khoa học từ thực tiễn nhằm giảm tải cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả xã hội. Theo các chuyên gia, việc chia nhỏ kỳ học, xen kỳ nghỉ như vậy sâu xa hơn còn là vấn đề ứng phó với tình huống bất khả kháng buộc phải chấp nhận như dịch bệnh, thiên tai hay chiến tranh. Năm 2005, nước Mỹ bị siêu bão Katrina quần thảo; năm 2011 nước Nhật hứng chịu thảm họa hạt nhân ở Fukushima…

Cả hai thảm họa đã ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống đối với hai siêu cường quốc này. Tuy nhiên, sau cả hai thảm họa, ngành giáo dục của hai quốc gia trên không quá bị ảnh hưởng về việc bố trí lịch học, đơn giản vì họ đã có lịch trình nghỉ xen kẽ các kỳ học nên việc học của học sinh không bị nhiều xáo trộn.

Thay đổi một lịch trình học đã ổn định rất nhiều năm là không đơn giản; thế nhưng một khi chính nó không còn phù hợp, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang sống ở “thế giới phẳng” - nơi mọi sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, châu lục diễn ra rất nhanh thì việc xem xét kỹ để đưa ra quyết định thay đổi lịch học là việc cần được tính đến.

 THANH VÂN
 

;
;
.
.
.
.
.