Chia sẻ tài nguyên du lịch với cộng đồng

.

Với chủ trương mở lối xuống biển, xã hội hóa đầu tư tuyến đường dạo ven bãi biển cùng các đề án phát triển du lịch cộng đồng, thành phố Đà Nẵng đã định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch cộng đồng; đồng thời gắn kết với dịch vụ du lịch chất lượng cao làm đa dạng các nguồn lực phát triển để thu hút đa dạng nguồn khách.

Việc chia sẻ tài nguyên du lịch với cộng đồng, đặc biệt là tài nguyên du lịch biển, được nhiều doanh nghiệp du lịch thành phố xem là chiến lược “khôn ngoan” về phát triển du lịch bền vững. Hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân địa phương.

Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Những đề án, giải pháp phát triển du lịch đề cao tính cộng đồng liên tục được UBND thành phố được triển khai vào thực tế phát triển du lịch địa phương. Ngày 31-10-2019, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai giải pháp phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng.

Theo đó, hình thành bãi biển “không ngủ” tại Đà Nẵng với đa dạng dịch vụ vui chơi giải trí như triển khai các hoạt động khu cắm trại ban đêm, dịch vụ sức khỏe, chiếu phim trên biển... tại tuyến đường biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa và tuyến biển Nguyễn Tất Thành; đầu tư bãi tắm tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp dịch vụ giải trí 24/7 tại bãi biển Võ Nguyên Giáp với các hoạt động như: sân khấu dân vũ, âm nhạc đường phố, ánh sáng nghệ thuật...; mở rộng đầu tư phát triển khu phố du lịch An Thượng dọc đường Võ Nguyên Giáp đến đường Nguyễn Văn Thoại, triển khai các hoạt động biểu diễn nghệ thuật về đêm tại khu phố...

Tiếp theo là đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, quận Sơn Trà” vừa được UBND thành phố ban hành tạo cơ hội lẫn điều kiện để khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch của địa phương; qua đó tạo thêm sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, góp phần thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm tại đây. Cùng với đó, ngày 28-11, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố thẩm định đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”.

Theo đó, mục tiêu tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch địa phương, khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa, giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với biển Đà Nẵng; tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia làm du lịch…

Những đề án phát triển du lịch gắn với cộng đồng được thành phố Đà Nẵng xây dựng khẳng định được địa phương có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Thực tế, các doanh nghiệp đưa/dẫn khách đến phần lớn là khai thác tiềm năng địa phương chứ chưa chú trọng phối hợp, hỗ trợ cộng đồng cư dân địa phương cùng làm du lịch. Khi phân chia lợi ích, đôi khi quyền lợi giữa doanh nghiệp và cộng đồng không thống nhất, phần thiệt thòi thường thuộc về phía cộng đồng, làm cho du khách không hài lòng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng để việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững được thành công thì vấn đề cốt lõi là sự cân bằng. Cân bằng giữa cung và cầu cả trong hiện tại và tương lai, thể hiện nổi bật là yếu tố sức chứa; cân bằng giữa số lượng và chất lượng của sự phát triển; cân bằng giữa thu hút khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa trong những giai đoạn nhất định; cân bằng giữa khai thác và bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên du lịch lễ hội; cân bằng giữa yêu cầu phát triển và khả năng quản lý, trong đó số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; cân bằng hoạt động du lịch về mặt thời gian và không gian; cân bằng giữa chi phí và lợi ích...

Để phát triển hiệu quả loại hình du lịch cộng đồng tại thành phố, cần xác lập khung cơ chế chính sách; trong đó có việc tạo cơ hội để người dân có thể cung cấp được hàng hóa, dịch vụ du lịch. Tiếp đó là mục tiêu phân chia lợi ích từ hoạt động du lịch ở địa phương; lựa chọn loại hình sản phẩm du lịch; sự tham gia của cộng đồng dân cư; sự vào cuộc của các bên trong phát triển du lịch cộng đồng; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp; tập trung hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch chi tiết cho những điểm tham quan du lịch, từng khu du lịch và hạ tầng du lịch; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch.

Thành phố cần tổ chức nâng cấp, mở rộng các hoạt động du lịch cộng đồng theo hướng cuốn hút tự nhiên nhưng với tính chuyên nghiệp cao; tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện các quy định của luật pháp; phát huy sự tham gia của các doanh nghiệp; huy động cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và các giá trị tài nguyên liên quan đến du lịch.

Khi người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, du lịch cộng đồng sẽ phát triển bền vững, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.