Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội ở nước ta xuất hiện khá nhiều thông tin giả mạo, sai sự thật, hoặc đưa ra những ý kiến bình luận sai lệch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cộng đồng cũng như trong công tác quản lý xã hội của các cơ quan Nhà nước. Điển hình một số vụ việc sau đây:
Một là, xung quanh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã có nhiều người đưa, chia sẻ thông tin, hoặc có những bình luận sai sự thật gây hoang mang cho cộng đồng, tác động xấu đến xã hội. Nhằm kịp thời đấu tranh ngăn chặn, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều giải pháp để gỡ bỏ, hoặc buộc các cá nhân có liên quan phải gỡ bỏ.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mới đây đã có chỉ thị yêu cầu Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trao đổi với Facebook và Google để ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, thông tin sai sự thật về dịch bệnh do nCoV gây ra.
Còn tại buổi họp báo thường kỳ của chính phủ hôm 5-2, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, cơ quan chức năng đã triệu tập hơn 170 người, xử lý, yêu cầu cam kết, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng theo Nghị định 174/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, Công an cũng đang theo dõi hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc có những biểu hiện không thực hiện việc xử phạt này để củng cố tài liệu và xử lý hình sự nếu đủ điều kiện.
Trong đó, nổi lên một số trường hợp như ngày 2-2, facebooker Them Ly đăng trên tài khoản cá nhân của mình 2 đoạn video ngắn từng hàng dài người Trung Quốc đeo khẩu trang chờ nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Facebooker này bị phạt 12,5 triệu đồng vì đưa tin sai lên mạng xã hội. Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Nhựt Tân cũng với cáo buộc “tung tin thất thiệt” về dịch do nCoV tại Cần Thơ trên trang facebook cá nhân của mình.
Ngày 4-2, Trần Thị Thu Thùy ở tỉnh Đồng Nai, dùng tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ bài viết từ những trang không rõ nguồn gốc có nội dung xuyên tạc việc Công ty Pousung (huyện Trảng Bom) có chuyên gia Trung Quốc bị mắc bệnh và kêu gọi công nhân ở đây đồng loạt nghỉ việc. Tại cơ quan Công an, Thùy thừa nhận do thiếu hiểu biết nên chia sẻ thông tin sai sự thật. Lực lượng chức năng sau đó đã lập biên bản, yêu cầu Thùy cam kết không tái phạm.
Ngoài ra, còn có 3 nghệ sĩ Việt Nam gồm Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng cũng đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh mời lên làm việc xung quanh việc đăng tải, chia sẻ thông tin không đúng về dịch bệnh do nCoV gây ra.
Hai là, xung quanh vụ Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn “khỉ”, 33 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), nghi can dùng súng AK bắn chết 4 người ở Củ Chi cũng bị một số người sử dụng các công cụ mạng xã hội để đưa ra những thông tin sai sự thật, hoặc ghi hình (livestream) tường thuật ngay tại điểm nóng xảy ra vụ việc, gây khó khăn cho quá trình điều tra truy bắt tội phạm.
Chiều 4-2, trước tình trạng nhiều YouTuber tụ tập đông trên đường Trung An, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), cách hiện trường lực lượng chức năng vây bắt nghi can Lê Quốc Tuấn (Tuấn “Khỉ”) khoảng 200m, gây mất an ninh trật tự, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý. Sau khi yêu cầu xuất trình giấy tờ xe và giấy tờ tùy thân, cơ quan chức năng lập biên bản và yêu cầu họ ký cam kết không tụ tập gần hiện trường vây bắt nghi can Tuấn “Khỉ”.
Trong khi đó, Công an Bình Dương cho biết ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) trình báo có nhận được điện thoại từ một người mà theo ông Hải là nghi phạm Lê Quốc Tuấn, tức Tuấn “khỉ”, nhờ hỗ trợ dẫn ra đầu thú. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an Bình Dương đã chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ xử lý thông tin theo đúng quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. Qua xác minh, Công an tỉnh Bình Dương xác định người gọi cho ông Hải không phải là Tuấn “khỉ” và đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
Chúng ta đều biết rằng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, tốc độ lan truyền nhanh chóng, thì những tin tức giả mạo, sai sự thật có liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của mọi người ngay lập tức được chia sẻ và ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực từ 15-4-2020) phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Hành vi cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam trên mạng xã hội nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia cũng có thể bị phạt 10 - 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…
Do vậy, người sử dụng các trang mạng xã hội phải hết sức tỉnh táo, cẩn thận và có trách nhiệm chính mình và cả cộng đồng khi đăng tải, chia sẻ, hay bình luận về các vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Tuyết Minh