Thời sự và bàn luận

Bảo đảm an sinh xã hội khi về già

08:45, 06/08/2021 (GMT+7)

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Tuy vậy, thống kê của BHXH Việt Nam vừa phát đi tín hiệu đáng lo về tình trạng nhiều người lao động làm thủ tục để hưởng chế độ BHXH một lần. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021, số người lao động hưởng BHXH một lần của cả nước tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Không những vậy, thống kê của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra biểu đồ tăng về số lượng người lao động hưởng BHXH một lần liên tục gia tăng từ năm 2016 đến 2020, với mức tăng trung bình khoảng 9%, tương đương hơn 600.000 người mỗi năm. Tính tổng số người lao động hưởng BHXH một lần từ năm 2014 đến 2020 của cơ quan BHXH cũng cho thấy, khoảng 4,5 triệu người lao động đã rời khỏi hệ thống BHXH quốc gia.

Đặc biệt trong số này, các tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng...  là những địa phương có số người hưởng BHXH một lần tăng cao do ảnh hưởng của Covid-19. Đơn cử như tại thành phố Đà Nẵng, báo cáo của BHXH thành phố trong 4 tháng đầu năm 2021 cho thấy, có 6.138 người lao động hưởng chế độ BHXH một lần, tăng 63,51% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng lo ngại, không những gây khó khăn cho người lao động khi lớn tuổi, không còn sức lao động để tự nuôi mình, mà còn ảnh hưởng chung đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đặc biệt rất đáng lo ngại khi thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2020, cả nước mới có gần 35,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 66,5% (tương đương khoảng 32 triệu người) trong lực lượng lao động chưa tham gia BHXH. Mục đích của người lao động ngoài việc nhận tiền lương hằng tháng để trang trải cuộc sống hiện tại, thì xa hơn, với việc tham gia đóng BHXH  là có lương hưu để bảo đảm cuộc sống cơ bản của mình khi về già mà không cần nhận hỗ trợ từ con, cháu. Thế nhưng, sau thời gian tham gia đóng BHXH, nay người lao động lại tự “làm khó tuổi già” của mình bằng quyết định hưởng BHXH một lần.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, hàng chục ngàn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc nghỉ hẳn, kéo theo đó là hàng triệu lao động khác bị mất việc hoặc tạm dừng việc. Không làm việc hoặc chỉ làm cầm chừng thì kinh tế sẽ gặp khó khăn. Và thế là người lao động giải quyết bài toán này bằng cách nhận một lần để trang trải chi tiêu trước mắt. Lý giải này không sai và có cơ sở thực tế.

Tuy nhiên, không thể giải thích hết được, bởi hiện tượng người lao động rời khỏi hệ thống BHXH quốc gia để nhận một lần gia tăng từ năm 2016 - thời điểm Covid-19 chưa xuất hiện. Vậy hiện tượng này nằm ở nhận thức của người lao động, khi chỉ muốn “làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu”, mặc kệ tuổi già đến lúc đó hẵng hay (!?).

Cũng xuất phát từ nhận định này mà trong suốt những năm qua, BHXH tập trung nhiều vào công tác tuyên truyền, nhằm giúp người lao động nhận thức việc tham gia BHXH là để lo cho chính bản thân mình, đồng thời góp phần vào thành công chung của chính sách an sinh xã hội quốc gia. Qua thống kê của BHXH Việt Nam từ tháng 10-2018 đến tháng 12-2020, ở cấp Trung ương, BHXH Việt Nam phối hợp các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tổ chức hơn 300 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, đối thoại, hội thảo... về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, thu hút hơn 53.000 người tham dự.

Ở các địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố cũng phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể... tổ chức gần 39.000 hội nghị tập huấn, hội thảo, đối thoại... về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, thu hút hơn 2,4 triệu lượt người tham dự. Vậy nhưng, những nỗ lực này không thể ngăn cản được việc số người lao động muốn hưởng chế độ BHXH một lần ngày càng gia tăng.

Có thể thấy, cùng phát triển kinh tế-xã hội, sự giao thoa văn hóa ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia, châu lục, mô hình gia đình truyền thống Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Xu hướng chung hiện nay là khi con cái lập gia đình thường ra ở riêng, ít người chọn sống cùng cha mẹ. Điều này hẳn nhiên đã, đang và sẽ dẫn đến tình trạng người già sống độc lập với con cái.

Như vậy, việc ăn uống, chi tiêu và mọi sinh hoạt khác cũng độc lập. Với mô hình này, nếu những người già, yếu không có thu nhập ổn định hằng tháng - tức không có lương hưu, thì cuộc sống sẽ khó khăn. Và dĩ nhiên, với một xã hội nhiều người lớn tuổi, không có cuộc sống ổn định, vấn đề an sinh xã hội cũng khó được bảo đảm cho người dân.

Để hạn chế tình trạng người lao động hưởng chế độ BHXH một lần, chính sách BHXH hiện nay cho phép người lao động, nếu không đủ điều kiện đóng BHXH ­có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, chờ đến thời điểm phù hợp đóng tiếp. Giải pháp này phù hợp với nhiều người lao động đang gặp khó khăn như hiện nay. Đặc biệt, mới đây Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, đề xuất rút ngắn thời gian đủ điều kiện được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm hoặc 10 năm.

Nếu điều này thành sự thật thì có thể là đòn bẩy giúp người lao động tích cực tham gia BHXH. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo cách thực tế, dễ hiểu để người lao động hiểu được việc tham gia BHXH là để bảo đảm tương lai ổn định cho tuổi già.

THANH VÂN

.