Thời sự và bàn luận
Chủ động 'chăm sóc sức khỏe' doanh nghiệp để phục hồi tăng trưởng
Ngày 24-9, Thành ủy và UBND thành phố tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” với sự tham dự của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Theo Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logictics Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Asiatrans Việt Nam Dương Tiến Lâm, việc tổ chức “Đối thoại doanh nghiệp” trong thời điểm này cho thấy thành phố dành sự quan tâm lắng nghe và từng bước giải quyết khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Thông qua đó, doanh nghiệp nhận thấy sự đồng hành của thành phố để tìm những biện pháp phát triển trong thời gian đến. Lãnh đạo thành phố cũng sẽ nhìn lại quá trình thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất phát triển kinh tế - xã hội”. Thành phố thực sự cầu thị lắng nghe để hiểu cộng đồng doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì nhằm chuẩn bị tốt hơn việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đồng thời chuẩn bị kỹ hơn cho các tình huống trong tương lai.
Thật vậy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã chia sẻ, các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển của thành phố. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thành phố xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.
Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau” và tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau tiến lên, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
Theo như ý kiến của Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng Vy Văn Việt, thành phố sớm có cơ chế thẻ xanh Covid-19 để đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường. Nhiều ý kiến khác kiến nghị tiếp tục được giảm lãi suất cho vay, giãn các khoản nợ đến hạn, miễn hoặc giảm các loại phí, lệ phí, thuế... cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, với tư cách là Tổ trưởng các tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, ông luôn mở số điện thoại cá nhân để sẵn sàng tiếp nhận và xử lý bất kỳ thông tin phản ánh, đề xuất từ phía doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, thành phố chuẩn bị công bố các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh mà các sở, ban, ngành đã nghiên cứu để áp dụng trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, thành phố hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% phần lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được vay từ Quỹ Đầu tư phát triển với lãi suất 0% trong thời gian 24 tháng; cho giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng Covid-19. UBND thành phố sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tháo gỡ khó khăn về lãi suất, vốn vay...
Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, hiện có đến 13 chính sách hỗ trợ và giao UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan đơn giản hóa các thủ tục để doanh nghiệp sớm tiếp cận.
Muốn “chăm sóc sức khỏe” cho doanh nghiệp để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, UBND thành phố cần khẩn trương ban hành kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thành phố đến hết năm 2021, cần nêu rõ trách nhiệm của thành phố và trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân; đồng thời chuẩn bị các nguồn lực về hạ tầng để tiếp tục kêu gọi đầu tư nhằm tạo động lực phát triển. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, cần phải chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch bệnh trong dài hạn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.
TRIỆU TÙNG